MUA 1 TRIỆU TẤN GẠO TẠM TRỮ: NÔNG DÂN CHƯA MỪNG - BÀI 1

Bấm bụng bán lúa giá thấp

Đầu tháng 3, Chính phủ đã cho phép Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để hỗ trợ nông dân. Thời gian mua từ ngày 15-3 đến hết 30-4, với dự kiến nếu giá thị trường xuống thấp thì sẽ vẫn cố gắng mua không dưới 5.000 đồng/kg lúa, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân là trên 30%.

Lúa “ế nhóc” ngoài ruộng

Gần hai tuần nay, chuyện lúa ế tiếp tục ám ảnh người dân. Trên những cung đường xứ lúa như quốc lộ 91, tỉnh lộ 943, tỉnh lộ 941… tỉnh An Giang, lúa chất đống chờ bán la liệt. Nhiều nơi thương lái dứt khoát không mua lúa khô. Nơi khác, lúa chất lượng cao mới “ăn”, còn IR 50404 thì không mua.

Trưa 6-4, tấp vào quán nước ven tỉnh lộ 941 thuộc huyện Châu Thành (An Giang), người viết hỏi thăm hai đống lúa chất cao ngun ngút ngoài trời tại Khu công nghiệp Bình Hòa. Chưa kịp nghe phân trần, bà Lê Thị Lê ngoài đồng tất tả lội vào. Khi nghe chúng tôi nói không phải hỏi mua lúa, nét mặt hăm hở của bà Lê khựng lại. Bà kể: Hổm rày bao nhiêu thứ chi tiêu trong gia đình đều phải vay mượn để có tiền trang trải. Lúa chất đống đó, tối phải giăng mùng ngủ giữ. Tiền công cắt, máy kéo, máy tuốt hay vật tư nông nghiệp mùa vụ rồi “đóng băng”. “Vụ đông xuân này nhà tui mần được sáu công, trong đó có hai công đất mướn với giá 15 giạ/năm. Mần xong, nửa tháng trước được khoảng năm tấn lúa, thương lái trả giá 5.200 đồng/kg, tui thấy lời ít quá không bán. Đến nay thì họ trả 4.700 đồng/kg, công sức coi như mất trắng” - bà Lê than.

Ông Nguyễn Văn Em ở ấp Trung Bình Nhì, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn vừa bán được lúa IR 50404 khô với giá 4.900 đồng/kg. “Tui mần xong hơn một tháng nay. Ghe mua lúa dưới kênh ghé lại trả giá 4.700-4.800 đồng/kg lúa rồi vắng bặt, chẳng có ghe mua. Mới hôm qua (ngày 5-4), kêu được ghe họ chịu mua giá 4.900 đồng/kg, cả xóm giành nhau bán. Kẹt quá phải bấm bụng bán chớ biết sao!” - ông Em bộc bạch.

Bấm bụng bán lúa giá thấp ảnh 1

Đống lúa này vừa được ông Nguyễn Văn Em bấm bụng bán với giá 4.900 đồng/kg lúa, loại IR 50404 khô. Ảnh: VĨNH SƠN

Mua tạm trữ hay không cũng vậy

Cạnh đống lúa còn chưa bán của bà Lê, khối lúa trên bảy tấn của chị Trần Thị Thu ở ấp Bình Phú 1, xã Bình Hòa cũng đang phơi mình. Toàn bộ 10 công tầm cắt (một công tầm cắt tương đương 1.300 m2) của chị Thu đều phải thuê người. 10 công này chị mướn với giá trên 33 triệu đồng/năm. Vụ đông xuân chị thu hoạch được bảy tấn, bán giá 5.000 đồng/kg là lỗ.

Chị Thu nhẩm tính: Tiền phân thuốc và công cắt, máy tuốt vụ rồi là 20 triệu đồng. Tiền lúa giống và bơm nước gần 5 triệu đồng. Kèm theo đó là 20 triệu đồng tiền thuê đất vụ đông xuân. Như vậy, tổng chi phí cho 10 công đất trong vụ đông xuân của chị Thu là 45 triệu đồng. “Bảy tấn lúa bán giá 5.000 đồng/kg tui thu được 35 triệu đồng. Như vậy tui lỗ chắc 10 triệu đồng, chưa kể công cán cật lực”.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, thẳng thắn: “Việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo không làm cho tình hình tiêu thụ lúa trong dân khả quan hơn. Hiện nay giá lúa tươi tại Đồng Tháp chỉ còn 4.000 đồng/kg, giảm từ 100 đến 200 đồng/kg so với tuần trước. Vụ đông xuân này Đồng Tháp làm ra khoảng 900.000 tấn gạo nhưng chỉ được phân bổ mua tạm trữ có 63.000 tấn. Việc lâu lâu mua 500.000 hoặc 1 triệu tấn gạo tạm trữ chẳng qua là cứu doanh nghiệp (DN) chứ không phải cứu nông dân”.

Tại Hậu Giang, chỉ tiêu mua tạm trữ chỉ có 15.000 tấn gạo, trong khi sản lượng vụ đông xuân của tỉnh gần 600.000 tấn lúa (tương đương 300.000 tấn gạo).

Bấm bụng bán lúa giá thấp ảnh 2

Lúa của bà Lê Thị Lê và nhiều hộ khác thu hoạch xong cả tháng nay vẫn còn chất đống vì giá bán quá thấp. Ảnh: VĨNH SƠN

Mua lúa theo giá sàn: Hên xui!

Hiện ở Hậu Giang, giá lúa tươi IR 50404 thương lái mua tại ruộng giá dao động từ 3.800 đến 3.900
đồng/kg, trong khi trước đó hai tuần giá trên 4.200 đồng/kg. Còn lúa khô giá từ 4.700 đến 4.800 đồng/kg. Thậm chí tại Phụng Hiệp, nông dân chỉ bán được với giá 3.200 đồng/kg. Nông dân Võ Quang Tiên, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Chính phủ nói mua giá sàn lúa khô thấp nhất 5.000 đồng/kg nhưng trong thực tế thương lái mua không tới giá này. Bà con cũng không biết tường tận việc thương lái nào mua phục vụ cho công ty tạm trữ theo lệnh Chính phủ, thương lái nào mua theo nhu cầu xuất hàng của công ty. Việc ai bán được giá cao, ai phải bán giá thấp là… hên xui”.

89 DN thành viên VFA mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm mục đích tạo cú hích và kéo giá lúa tăng trở lại. Đã gần một tháng kể từ khi thực hiện mua tạm trữ, giai đoạn đầu giá lúa có nhích lên nhưng khoảng một tuần nay, giá có chiều hướng giảm và quay đầu trở lại mức giá trước thời điểm Chính phủ đưa ra quyết định mua tạm trữ.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cũng cho biết: Dù Chính phủ quy định giá sàn đối với lúa mua tạm trữ (không dưới 5.000 đồng/kg) nhưng nông dân bán lúa với giá này không nhiều, đa phần giá bán hiện nay dao động 4.600-4.700 đồng/kg, có nơi giá thấp hơn.

Chiều 6-4, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết trên địa bàn TP có 12 DN được giao chỉ tiêu mua tạm trữ tổng cộng 118.000 tấn gạo. các DN đã mua được trên 70.000 tấn và dự kiến đến ngày 15-4 sẽ hoàn tất thu mua. “Mấy ngày gần đây một vài DN mua vào chậm lại do năng lực của kho chứa có hạn, chờ xuất bớt 1-2 lô hàng thì mới đẩy nhanh tiến độ mua. Đa phần DN chủ yếu lựa lúa tốt để mua, còn lúa chất lượng thấp không mua nhưng diễn biến thị trường trong 1-2 ngày vừa qua lại cho thấy lúa chất lượng thấp như IR 50404 đang được thương lái mua nhiều”. Tuy vậy, ông Hừng cũng thừa nhận trên thị trường Cần Thơ hiện nay lúa chất lượng thấp giá không tới 5.000 đồng/kg, thương lái chỉ kêu giá từ 4.600 đến 4.700 đồng/kg.

VĨNH SƠN - GIA TUỆ

Kỳ tới: Nghịch lý giá thành sản xuất và giá sàn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm