Bầu Đức trải lòng về giai đoạn 'cực kỳ khó khăn'

Tại đại hội cổ đông thường niên 2017 vừa diễn ra ngày 30-6, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chia sẻ năm qua là một năm "cực kỳ khó khăn đối với công ty". Không còn gì khó khăn hơn. Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào hơn khi giá dầu cọ, cao su xuống thấp.

Bầu Đức: "Chúng tôi chọn phát triển nông nghiệp là ngành cốt lõi của mình".

"Không đầu tư lan man nữa"

"Muốn phát triển sau tái cấu trúc tài chính phải làm gì? HAGL đã bán mảng thủy điện để giảm nợ. Chúng tôi chọn phát triển nông nghiệp là ngành cốt lõi của mình. Hiện tại HAGL có trên 100.000 hecta đất ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Sau khi cân nhắc, HAGL quyết định lấy ngắn nuôi dài khi tận dụng quỹ đất dôi dư với 20 hecta là trồng 17 loại cây ăn trái, tất cả đều sắp thu hoạch. Hôm nay HAGL công bố về lâu dài sẽ chọn nông nghiệp làm lõi, đầu tư trồng cây ăn trái gồm trái cây tươi, trái cây chế biến, sản phẩm sấy khô" - ông Đức nói.

Vậy đầu ra của HAGL như thế nào? Ông Đức cho biết HAGL phối hợp với những nhà đầu tư lớn như Thế Giới Di Động, các tập đoàn phân phối lớn trong nước cũng như có các đối tác lớn từ Trung Quốc...

Cụ thể, đối với chanh dây từ tháng 9-2016, trong khi thị trường trong nước không tiêu thụ được nhưng HAGL không có hàng để bán. Sản phẩm của chúng tôi làm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, là tập đoàn lớn nên khách hàng đến với HAGL cũng lớn. Chúng tôi đã ký với khách hàng vài chục ngàn container trái cây chứ không phải vài container.

"Các mặt hàng như chuối, chanh dây dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng thời điểm này khách hàng đã bay sang để hướng dẫn cách đóng gói bao bì, thu hoạch, luôn luôn có người túc trực ở đây. Hiện tại có bốn đối tác chọn mua chuối nhưng chưa biết chọn ai" - ông Đức thông tin.

Các loại trái cây dự kiến mang về doanh thu 2.000 tỉ đồng cho HAGL.

Đối tác là một chủ 7.000 siêu thị ở Trung Quốc

Các cổ đông cũng lo lắng vì sao chọn đối tác Trung Quốc, liệu có rủi ro? Ông Đức lý giải: Trong ba năm qua giá trái cây ở các chợ đầu mối, hệ thống phân phối ở Bắc Kinh không giảm. Cụ thể như chuối ngày 30-6 giá 19.000 đồng/kg, dù đây là thời gian thấp điểm.

Do đó, không ngẫu nhiên mà HAGL bỏ ra gần 20.000 hecta đất trồng trái cây. Vì vây các nhà đầu tư, cổ đông có niềm tin vào thị trường này.

Theo ông Đức, một hecta chuối cho ra 100 tấn, giá chuối hiện tại là 19.000 đồng/kg. Như vậy một hecta chuối đạt 1,9 tỉ đồng so với mía đường thì doanh thu cao hơn nhiều.

Thanh long ruột đỏ từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau là mùa cao điểm của Trung Quốc, giá tối thiểu 40.000 đồng/kg, cao nhất là 70.000 đồng/kg. Tháng 8 này sẽ thu hoạch 20 container chuối/ngày, tháng 10 thu hoạch thanh long cũng tương đương như vậy. Nên doanh số của trái cây cực kỳ lớn.

Vậy HAGL có chuyên môn nào để dám trồng trái cây? Ông Đức chia sẻ: "HAGL có nhiều chuyên gia về cây ăn trái ở Viện Cây ăn quả miền Nam, chuyên gia từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Hiện nay HAGL không chỉ là trồng mà sản xuất ra những gì thị trường cần. Chúng tôi trồng theo đơn đặt hàng. Vì sao HAGL bán chuối, thanh long, chanh dây với giá 40.000 đồng/kg trong khi thị trường không bán được giá này?".

Làm sao để tránh rủi ro bấp bênh? Ông Đức cho biết làm cái gì cũng bấp bênh nhưng quan trọng là giải quyết như thế nào. Đó là lý do HAGL trồng 17 loại trái cây mà không độc canh như cây cao su. Và thị trường trong hai năm qua giá trái cây HAGL xuất khẩu không giảm giá. HAGL có rất nhiều nhà đầu tư, đối tác lớn.

Thậm chí chúng tôi có đối tác là một chủ 7.000 siêu thị ở Trung Quốc, ông đánh giá cao khi tìm được một nhà phân phối như HAGL là chỉ có một. Rõ ràng việc ép giá, giấu giá gần như là không có.

HAGL sẽ có chuỗi bán trái cây đầu tiên

Ông Đức thông tin tiếp, công ty chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến ép nước trái cây và sấy khô trái cây với sự đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, không chỉ riêng xuất khẩu mà HAGL còn xây dựng thêm 200 nhà phân phối bán các sản phẩm của HAGL trên cả nước. Mục tiêu là hướng đến thành lập chuỗi trái cây đầu tiên trong nước nhằm chủ động hoàn toàn về đầu ra cho HAGL.

Theo ông Đức, hiện mỗi năm năng suất tối thiểu HAGL cho ra 50 tấn chanh dây/ha, 40 tấn thanh long/ha và 100 tấn chuối/ha.

Trả lời cổ đông về triển vọng doanh thu của trái cây doanh số hơn 2.000 tỉ đồng như kế hoạch đề ra. Ông Đức lý giải đó là chỉ doanh số từ trái thanh long vào chanh dây.

"Tôi khẳng định nếu làm đúng quy trình kỹ thuật, gần như không có loại trái cây nào trong 17 loại mà HAGL làm có doanh thu dưới 1 tỉ đồng/hecta. Chẳng hạn sầu riêng 4 tỉ đồng/hecta, bưởi da xanh 3 tỉ đồng/hecta, vú sữa trên tỉ đồng/hecta. Thời gian tới khi triển khai nhiều chủng loại trái cây nữa… Do đó doanh số năm 2018 sẽ tăng cao, biến động gấp hai, gấp ba lần" - bầu Đức tự tin.

Cũng theo ông Đức "bằng mọi giá, chúng tôi nỗ lực làm cho công ty đi lên". Trong hai năm tới, HAGL lột xác từ một “thằng nằm viện” mà đứng dậy chạy được. Vì cơ sở của HAGL còn, tổng tài sản HAGL có 500 ngàn tỉ đồng, qua cuộc đại phẫu thuật không mất đồng nào.

"Sau khi va chạm nhiều thứ, chúng tôi nghĩ chỉ đi vào cốt lõi, dựa vào cốt lõi, không đi đầu tư lan man. Thời gian tới, năm 2018 công ty sẽ thường xuyên công bố, cập nhật hằng ngày tình hình doanh thu, lợi nhuận, chỉ số nợ để các cổ đông nắm bắt" - bầu Đức cam kết.

Theo kế hoạch năm 2017, mảng kinh doanh cây ăn quả đạt khoảng 2.000 tỉ đồng, đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu năm 2017. Chẳng hạn như chanh dây dự kiến thu được hơn 56 ngàn tấn, góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.055 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 437 tỉ đồng. Thanh long dự kiến thu được 17 ngàn tấn, góp phần mang lại doanh thu khoảng 680 tỉ đồng. Chuối dự kiến đạt 50 ngàn tấn, góp phần mang lại doanh thu 843 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 354 tỉ đồng.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm