Bị “trói chân” vì chứng chỉ hành nghề

Năm 2014, Công ty MTTC (thành lập từ năm 2007) muốn bổ sung ngành nghề “sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu chế phẩm sinh học dùng trong thú y thủy sản”. Đây là ngành nghề đòi hỏi DN muốn đăng ký thì phải có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực liên quan của một cá nhân làm việc cho DN. Công ty MTTC có nộp chứng chỉ của ông DT, do Chi cục Thú y TP.HCM cấp.

Khi xem xét hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) giải thích chứng chỉ này đã và đang được sử dụng để đăng ký ngành nghề tương tự cho Công ty A., vì vậy không thể dùng chứng chỉ này đăng ký tiếp cho Công ty MTTC.

Công ty MTTC cho rằng ông DT không còn làm việc cho Công ty A. nữa, đồng thời ông này đã đồng ý cho Công ty MTTC sử dụng chứng chỉ nên phải được bổ sung ngành nghề.

Trả lời khiếu nại, Phòng ĐKKD viện dẫn quy định của ngành nông nghiệp, cụ thể là Thông tư 37/2006 của Bộ NN&PTNT quy định “cá nhân, tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề... chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề tại một cơ sở”. Công ty A. chưa đăng ký thay đổi người đứng chứng chỉ hành nghề cho ông DT nên chứng chỉ này không thể sử dụng để đăng ký ngành nghề cho bất kỳ DN nào khác. Phòng ĐKKD cũng hướng dẫn ông DT liên hệ và yêu cầu Công ty A. thay đổi người đứng chứng chỉ hành nghề hoặc bỏ ngành nghề cần chứng chỉ này đi thì ông mới “rút chân” ra được. Trường hợp Công ty A. không chịu đổi người, không giảm ngành nghề thì ông DT có thể kiện ra tòa để đòi “tự do” cho cái chứng chỉ hành nghề này.

Phòng ĐKKD cho biết Sở không có quyền rút bỏ ngành nghề của Công ty A., chuyển chứng chỉ của ông DT sang Công ty MTTC vì việc dùng chứng chỉ nào là do cá nhân chủ chứng chỉ và DN thỏa thuận trước đó. Nếu phát sinh tranh chấp thì hai bên phải tự xử lý, cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền xử lý.

Trước tình huống này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho rằng vẫn có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn. Chủ chứng chỉ hành nghề có thể chứng minh đã không còn làm việc cho công ty cũ. Cơ quan ĐKKD có quyền yêu cầu công ty cũ bổ sung chứng chỉ hành nghề khác để tiếp tục kinh doanh hoặc phải tạm dừng kinh doanh ngành nghề có điều kiện (vì chứng chỉ hành nghề cũ đã không còn hiệu lực với DN). Nếu DN không thực hiện yêu cầu, cơ quan ĐKKD có thể thông báo cho các cơ quan chuyên ngành để kiểm tra, xử lý đối với DN vì DN kinh doanh ngành có điều kiện mà không đáp ứng đủ điều kiện. Với cách xử lý này thì các DN phải chủ động hơn, nhanh hơn là “đẩy” chủ chứng chỉ hành nghề giải quyết bằng con đường tòa án.

 

Coi bộ sẽ... khó

Cá nhân phải làm việc ở một DN thì mới xin cấp chứng chỉ. Cơ quan quản lý phải đi xem xét điều kiện ở DN rồi mới cấp chứng chỉ cho cá nhân hành nghề tại chính DN đó. Do đó chứng chỉ này tuy của cá nhân nhưng hành nghề lại gắn liền với DN. Nếu muốn hành nghề ở DN khác, chủ chứng chỉ phải xin cấp chứng chỉ hành nghề mới tại công ty mới thì mới có thể dùng nó để đăng ký ngành nghề có điều kiện cho công ty mới.

Ông DT có thể xin cấp chứng chỉ hành nghề mới ở Công ty MTTC. Tuy nhiên, để xin cấp mới, ông lại phải nộp lại chứng chỉ hành nghề cũ (thường là DN nắm giữ). Trong thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề có một quyết định của DN bổ nhiệm người xin cấp chứng chỉ làm công việc, vị trí cụ thể trong DN. Vì vậy người xin cấp chứng chỉ mới cũng phải chứng minh đã chấm dứt lao động, không còn được bổ nhiệm công việc ở công ty cũ nữa.

Nếu giữa ông DT và công ty cũ có tranh chấp thì hai bên phải giải quyết xong.

Ông NGUYỄN HỮU THIẾT, Phòng Thú y cộng đồng - Chi cục Thú y TP.HCM

 QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm