Biến lúa gạo thành sản phẩm cao cấp xuất khẩu ra thế giới

Đây là ý kiến ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp). Ông vừa tuyên bố trong năm 2016 sẽ mở 1.000 cửa hàng gạo tại TP.HCM.

Theo ông Thiện, DN chỉ cần làm một sản phẩm ngách, cung ứng được cho toàn cầu thì cơ hội phát triển lớn. Cụ thể như hoạt chất kháng oxy hóa chiết xuất từ cám gạo, được dùng trong dược - mỹ phẩm. Theo khảo sát của công ty, năm 2013 giá thành hoạt chất kháng oxy hóa của Trung Quốc là 7 triệu đồng/kg. Một tấn cám lấy được 2,5 kg chất kháng oxy hóa, nếu hiện nay DN bán bằng giá Trung Quốc sẽ thu về 17 triệu đồng. Trong khi đó, cám 5 triệu đồng/tấn, bã cám sẽ dùng trong thức ăn chăn nuôi, bán được 5,2 triệu đồng… Do đó, tiềm năng của phụ phẩm trong các sản phẩm nông nghiệp lớn. "Vì vậy, nếu nhiều DN nghiên cứu làm ra sản phẩm từ phụ phẩm thì lúa gạo Việt Nam có cơ phát triển mạnh” - ông Thiện nhấn mạnh.  

Ông Thiện cho biết thêm công ty ông đang áp dụng công nghệ cao để chế biến một số sản phẩm cao cấp như tinh dầu từ cám gạo, tinh dầu hoa sen. Tháng 10 này công ty sẽ ký kết hợp đồng nguyên tắc với một tập đoàn của Nhật, họ đánh giá cao quy trình công nghệ và đề nghị được bao tiêu toàn bộ nếu sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết hiện nay nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng Việt tăng cao, công ty này biến gạo thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến, dễ tiếp cận người tiêu dùng. Đây là cách làm thương hiệu phối hợp với xây dựng mạng lưới phân phối táo bạo, khá mới mẻ. Tạo ra khuynh hướng mới trong mua nông sản sạch, tiếp cận song hành với mặt hàng tiêu dùng nhanh cũng như trong kinh doanh phân phối trong mặt hàng lương thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm