Bộ Công Thương đưa ra 'bí kíp' tránh mắc bẫy đa cấp bất chính

Cụ thể, trước khi tham gia người tiêu dùng (NTD) cần thu thập và kiểm tra thông tin về doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp mà mình định tham gia như DN có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không bằng cách tìm kiếm danh sách DN được cấp giấy chứng nhận được đăng tải trên website của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương tại địa chỉ:http://vca.gov.vn.
Để biết DN đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong quá trình kinh doanh bán hàng đa cấp trước đó hay chưa, NTD kiểm tra thông tin trên mạng Internet, qua các cơ quan quản lý nhà nước (Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công Thương các tỉnh, thành) để tìm hiểu lịch sử hoạt động của DN.
Thứ hai, mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
NTD có quyền yêu cầu DN cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa. Hiện nay hơn 80% hàng hóa kinh doanh bán hàng đa cấp là thực phẩm chức năng. Theo quy định hiện hành, thực phẩm chức năng không phải là thuốc chữa bệnh. Do đó, mọi hình thức thông tin, quảng cáo thực phẩm chức năng có công dụng chữa bệnh là hoàn toàn không chính xác.
Về thông tin chương trình trả thưởng và các lợi ích kinh tế khi tham gia, người tham gia phải tìm hiểu kỹ. Lưu ý: hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa chứ không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp.
Theo quy định pháp luật, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của DN bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương đưa ra 'bí kíp' tránh mắc bẫy đa cấp bất chính ảnh 1
Cẩn thận với bán hàng đa cấp

Khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, NTD cần nghiên cứu kỹ điều khoản hợp đồng trước khi ký, có quyền yêu cầu DN cung cấp hoặc giải thích các điều khoản của hợp đồng. Trong đó, cần lưu ý quy định về chương trình trả thưởng; chính sách trả lại hàng và hoàn trả tiền; quy định về việc chấm dứt hợp đồng…
Hợp đồng phải có đầy đủ chữ ký, con dấu, số hợp đồng, các chứng từ mua bán hàng hóa (như: phiếu nhận hàng, hóa đơn...). Kèm theo hợp đồng phải có chương trình trả thưởng và quy tắc hoạt động của DN. Trong trường hợp bị mất hoặc thất lạc, người tham gia có quyền yêu cầu DN cung cấp và phải lưu giữ các tài liệu này để giải quyết tranh chấp phát sinh (nếu có).
Lưu ý về kiểm tra hàng hóa, NTD phải lấy hàng, hạn chế gửi lại hàng hóa tại cơ sở bán hàng đa cấp, cho dù nhân viên có yêu cầu hay khuyến khích, gợi ý. Phải lấy hàng mới có cơ sở thực hiện quyền yêu cầu DN mua lại hàng hóa. Trước khi lấy hàng hóa phải kiểm tra lại một lần nữa các thông tin liên quan: Nguồn gốc, hướng dẫn sử dụng, đặc tính của hàng hóa.
Khi lấy hàng hóa, phải yêu cầu cung cấp và lưu giữ các phiếu xuất hàng, trên đó, ghi rõ thời gian, tên hàng và các thông tin liên quan đến việc xuất hàng. Không chấp nhận phiếu thu/phiếu xuất kho hay các giấy tờ giao dịch khác có thông tin về việc hàng đã mua không được trả lại, kể cả hàng hóa mua theo chương trình khuyến mãi. Không nên mua cùng lúc quá nhiều hàng hóa, chỉ mua vừa mức tiêu dùng hoặc bán lại.
Trước và trong quá trình tham gia bán hàng đa cấp, nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc phát sinh tranh chấp nào, người tham gia có quyền đề nghị các cơ quan nhà nước cung cấp thông tin hoặc tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề.
Để được tư vấn, hướng dẫn thông tin liên quan, người dân có thể liên hệ: Sở Công Thương tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoặc Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Tổng đài miễn phí 1800.6838.
Những hành vi bị cấm đối với người tham gia bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của DN bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp;
- Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được DN bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản;
- Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của DN khác tham gia vào mạng lưới của DN mà mình đang tham gia;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm