Bộ Công Thương lý giải việc tăng giá điện

Chiều 1-12, Bộ Công Thương gặp mặt báo chí thông tin chi tiết về việc tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 6,08% từ ngày 1-12.

EVN lãi, giá điện vẫn tăng

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi tổ công tác liên bộ. Trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017.

Theo Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).

Việc tăng giá điện trong bối cảnh tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng (riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Anh Tuấn lý giải dù năm 2016 EVN kinh doanh có lãi nhưng đơn vị này vẫn còn treo một khoản lỗ chênh lệch tỉ giá từ các năm trước đó với mức 9.000 tỉ đồng.

"Theo quy định thì khoản lỗ này phải đưa vào giá điện ngay lập tức nhưng Chính phủ không làm như vậy và chỉ đạo Bộ Tài chính cho phép EVN khoản lỗ này sẽ được giãn ra theo từng năm. Dự kiến đến năm 2020 khoản lỗ 9.000 tỉ đồng này sẽ được hoàn tất” - ông Tuấn lý giải.

Trả lời bổ sung, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Lỗ chênh lệch tỉ giá thường xuyên xảy ra cho nên để giảm bớt áp lực thì cần phân bổ khoản lỗ này ra các năm khác nhau.

Không nên đưa phương án giá điện là tài liệu mật

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia đến từ Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá việc kiểm tra chi phí sản xuất-kinh doanh điện đã có bước tiến về minh bạch.

Nhưng, theo ông này, vẫn có thể tiến bộ hơn để đảm bảo tính minh bạch hơn nữa. Theo đó, ông Đức cho rằng có hai khía cạnh có thể giúp đáp ứng tốt hơn tính minh bạch.

Thứ nhất, việc đi kiểm tra giá điện đã có mặt của cả bên bán và bên mua điện, song quyết định tăng bao nhiêu % thì chỉ do bên bán điện quyết. Có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách cho phép bên mua tham gia việc này.

Thứ hai, theo ông Đức, quy định hiện nay, tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong "diện" tài liệu bí mật nhà nước. Do đó trường hợp này cần thay đổi, không nên để cơ chế mật với phương án giá điện.

"Hằng năm chỉ có đại diện cho bên mua điện tham gia còn hiện tại khâu quyết định mức giá điện chỉ có bên bán điện tham gia là EVN chứ chưa có bên mua điện tham gia. Hiện tại, theo pháp luật của bí mật Nhà nước thì tài liệu phương án giá điện vẫn là tài liệu mật, nên có sự tham gia đầy đủ và không nên để cơ chế mật như vậy" - ông này nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho doanh nghiệp nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng.

"Chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng. Giá cả cần được người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán đưa ra giá và người mua phải chấp nhận mức giá đó" - ông Hùng bày tỏ.

Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo, chính sách mức 50 kW/h của bậc thang đầu tiên, tương đương hỗ trợ 51.000 đồng/tháng. Tổng số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo, chính sách khoảng 2.500 tỉ đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm