Cấm tư nhân kinh 20 ngành nghề: Bộ Công Thương nói gì?

Theo đó, những ngày qua, một số báo đã phản ánh, bình luận về Danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được ban hành kèm theo dự thảo nghị định.

Bộ Công Thương cho biết việc ban hành danh mục sẽ giúp hệ thống hóa và minh bạch hóa tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, các chính sách và quy định hiện hành, đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội thực hiện chức năng giám sát công khai việc thực hiện độc quyền nhà nước trong các lĩnh vực được liệt kê.

Dự thảo nghị định và danh mục được xây dựng với quan điểm chủ đạo là không mở rộng và không tăng thêm các lĩnh vực độc quyền nhà nước đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế hiện hành của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2015, dự thảo danh mục đã được gửi để lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, được đăng tải trên website của Bộ Công Thương để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong toàn xã hội.

Dự thảo danh mục này cũng đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, danh mục đã được bổ sung thêm mặt hàng vàng nguyên liệu, với hoạt động thương mại độc quyền tương ứng là "xuất khẩu và nhập khẩu để sản xuất vàng miếng", nâng tổng số hàng hóa, dịch vụ tại danh mục lên thành 20.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 1-2017, Bộ Công Thương đã trình dự thảo danh mục hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước, gồm dự thảo quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại gồm:

Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng…

Dưới đây là danh mục 20 ngành nghề trong dự thảo mà Nhà nước giữ độc quyền:

1. Hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh (sẽ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định chi tiết).
2. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp.
3. Sản xuất vàng miếng.
4. Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
5. Phát hành xổ số kiến thiết.
6. Nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà (trừ hàng miễn thuế)
7. Hoạt động dự trữ quốc gia.
8. In, đúc tiền.
9. Phát hành tem bưu chính Việt Nam.
10. Sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa và các dịch vụ liên quan.
11. Truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng, vận hành thủy điện đa mục tiêu và điện hạt nhân.
12. Vận hành hệ thống đèn biển, hệ thống luồng hàng hải công cộng.
13. Quản lý, vận hành, khai thác đài thông tin duyên hải.
14. Dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm cứu nạn.
15. Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị do Nhà nước đầu tư.
16. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè biển trong trường hợp giao kế hoạch.
17. Cung ứng dịch vụ lâm nghiệp tại rừng đặc dụng (trừ khu rừng được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế).
18. Xuất bản (không bao gồm in và phát hành).
19. Duy trì, quản lý, khai thác mạng bưu chính công cộng.
20. Cung ứng dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm