Cảnh báo nạn ve sầu hại chết cà phê

Cây bị vàng lá, rụng trái, cây xơ rễ, chết khô. Những năm trước cũng có nạn ve sầu nhưng ít hơn nhiều. Năm nay, nhiều gốc cà phê bị cả trăm con ve bám. Người dân phun thuốc diệt ve nhưng trời mưa khiến thuốc dễ bị loãng, hiệu quả trừ ve thấp. Ban ngày, thấy người đến gần thì ve sẽ bay đi nên bà con hiện chỉ có thể bắt, diệt ve vào buổi chiều tối.

TS Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết con ve sầu không gây bệnh cho cây cà phê nhưng trứng ve sầu phát triển thành ấu trùng rơi xuống, chui vào đất, cắn hút nước từ rễ cà phê làm rễ xơ, đứt. Năm 2006, ve sầu gây hại nặng nhất khắp các tỉnh Tây Nguyên, các năm vừa qua vẫn bị nhưng không nhiều. Hiện nay chỉ mới có thông tin phản ánh của bà con ở các huyện ở Lâm Đồng, còn Đắk Lắk, Gia Lai thì chưa.

Ông Báu cho biết hiện chưa có thuốc đặc trị diệt ấu trùng ve sầu. Chúng chui xuống đất sâu 30-40 cm, nếu bơm thuốc vào diệt sẽ ảnh hưởng đến chất đất, môi trường và chính cây cà phê cũng chết. “Biện pháp phòng tốt nhất là lấy vôi hòa nước quét lên thân cây để ve không thể bám và đẻ trứng. Bà con có thể tưới nước vôi vào gốc cà phê, ấu trùng bị ngộp sẽ ngoi lên, ta bắt lấy chúng. Đồng thời, bà con mua thuốc trị côn trùng phun lên cây, diệt ve và trứng trước khi chúng thành ấu trùng. Một cách tự nhiên nhất là kiến vườn sẽ ăn trứng ve. Không nên dùng thuốc diệt kiến vì kiến chết sẽ khiến ve phát triển rộ” - ông Báu chia sẻ.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết Hiệp hội sẽ khuyến cáo doanh nghiệp cùng hỗ trợ nông dân trong việc phòng trừ nạn ve sầu và sẽ cảnh báo cho các vùng trồng cà phê khác.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm