Cao gấp bốn lần nhà thuốc bên ngoài

Bệnh nhân bị “dụ”

Cầm trên tay số thuốc vừa mua được tại nhà thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy, chị Thanh (Hậu Giang) cho biết chị bị viêm đại tràng đã lâu, đây là hóa đơn thuốc lần thứ sáu chị mua tại nhà thuốc này. Hóa đơn gồm năm loại trị giá hơn 1,5 triệu đồng. Khi được hỏi vì sao không ra mua thuốc bên ngoài cho rẻ, chị Thanh cho biết bác sĩ nói ra ngoài mua coi chừng thuốc giả, cứ mua nhà thuốc bệnh viện tốt hơn nên chị làm theo. “Chị có biết mình đang bị “móc túi” không?” - chúng tôi hỏi. Chị Thanh cười... lắc đầu và cặm cụi đếm thuốc. Đem toa thuốc của chị Thanh đến dọ giá ở Trung tâm dược (quận 10), chúng tôi hơi “sốc” khi chỉ chừng ấy loại thuốc ở đây chỉ bán tối đa 800 ngàn đồng.

Tại quầy thuốc ngay cổng trong Bệnh viện 115 (TP.HCM), bà Nguyễn Thị T., 65 tuổi (ở Củ Chi) kể hai, ba năm nay bà khám bệnh tim ở khoa dịch vụ bệnh viện này. Cứ đúng hai tháng bà ra mua thuốc một lần. Xem hóa đơn bà đưa, chúng tôi hết... choáng khi chỉ với sáu loại thuốc, bà T. đã phải trả gần 900 ngàn đồng (trong khi kết quả đối chiếu giá của chúng tôi ở Trung tâm dược quận 10 lại rẻ hơn một nửa), “Cứ hết thuốc lại đến mua, lại tốn tiền. Già rồi không làm ra tiền mà bệnh tật chi cho khổ con cháu không biết?” - vừa lụm khụm bước ra xe cho đứa cháu đang chờ chở về Củ Chi, bà T. vừa than thở.

Tại Trung tâm Medic, anh Đ. (quận 11) cho chúng tôi xem hóa đơn mua thuốc có hai loại thuốc trị gan mạn tính trị giá hơn 2,1 triệu đồng. Anh Đ. cho biết nếu mua bên ngoài có thể sẽ thấp hơn từ hai đến ba trăm ngàn đồng, “Biết thế nhưng bác sĩ bảo mua ở nhà thuốc yên tâm hơn nên phải làm theo chứ biết sao được!” - anh Đ. thở dài.

Một vốn, bốn lời

Trao đổi chiều qua, 13-9, một dược sĩ cho biết đa số các bệnh viện đều bán thuốc của Pháp, mỗi nơi mua bán một kiểu, tùy theo tầng nấc trung gian. Vì vậy, muốn chắc chắn phải hỏi các hiệu bán thuốc của Pháp mới biết giá gốc. “Giá gốc ở đây được hiểu theo nghĩa đã được làm sẵn, đủ lợi nhuận cho nhà phân phối và đại lý bán ra chứ không có nghĩa là gốc từ nhà sản xuất đưa ra” - dược sĩ này nói.

Trong vai một người cần mua thuốc cho Bệnh viện M., chúng tôi ghi tên một số thuốc cần mua và đi hỏi giá tại một trung tâm bán thuốc lớn và uy tín nhất TP.HCM. Sau khi có giá thuốc cần tìm, chúng tôi đã đem so sánh với các hóa đơn của bệnh nhân. Kết quả cho thấy giá thuốc bán trong bệnh viện cao hơn gấp nhiều lần so với giá các hãng thuốc đưa ra.

Tại nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc Proton-P của Pháp giá bán 7.400 đồng/viên, thế nhưng ngoài thị trường giá tiểu thương chào bán chỉ gần hai ngàn đồng/viên (cao hơn gần bốn lần). Tương tự, thuốc Bemetinv 100 mg chỉ có 1.200 đồng/viên nhưng nhà thuốc này bán 1.400 đồng/viên. Thuốc Albis, giá thị trường chỉ hơn 4.800 đồng/viên, nhà thuốc Chợ Rẫy lại bán lên đến... 9.700 đồng/viên.

Giá thuốc tại Bệnh viện 115 tính ra còn “chóng mặt” hơn gấp nhiều lần. Cũng là thuốc trị tim của Pháp: Aprovel 150 mg, giá do một nhà phân phối thuốc tại Trung tâm dược quận 10 đưa ra là 2.050 đồng/viên nhưng tại Bệnh viện 115 lại bán cho bệnh nhân tám ngàn đồng/viên (cao hơn gần bốn lần). Thuốc Bentaloc zok 25 mg, thị trường bán 58.000 đồng/hộp 30 viên nhưng tại Bệnh viện 115 bán đến 138 ngàn đồng/hộp 30 viên (cao gấp gần 1,5 lần).

Một số loại thuốc khác các bệnh viện bán tuy có cao không đáng kể (vài trăm đồng/viên) nhưng nếu tính về số lượng và thời gian phải điều trị lâu dài thì gánh nặng tiền thuốc của người bệnh phải chịu không hề nhỏ!

Tuần sau, thanh tra giá thuốc:

Kiểm soát tận gốc để “triệt” giá bất hợp lý

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Nga - Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết thứ Ba tuần sau (18-9), hai đoàn thanh tra liên ngành của Bộ sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra các cơ sở y tế tuyến trung ương. Đoàn một sẽ kiểm tra vấn đề rác thải bệnh viện. Đoàn hai kiểm tra và đánh giá các hoạt động của nhà thuốc.

. Thanh tra về thuốc sẽ tập trung cụ thể những vấn đề gì, thưa ông?

+ Chúng tôi sẽ đánh giá hoạt động của các nhà thuốc, trong đó bao gồm việc nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng tân dược để ghi nhận thực tế giá thuốc tăng thế nào, nguyên nhân tăng giá. Đồng thời kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá thuốc, niêm yết, kê khai thuốc của các cửa hàng.

Mặc dù tốc độ tăng giá được coi là bình thường nhưng cần thiết vẫn phải kiểm soát tận gốc để người dân không bị mua với giá bất hợp lý. Trước mắt, việc quản lý giá thuốc sẽ tập trung vào các nhóm thuốc thiết yếu như kháng sinh, vitamin, giảm đau (chiếm khoảng 80% - PV)...

. Những cơ sở kinh doanh có sai phạm sẽ bị xử lý thế nào?

+ Tùy mức độ sẽ có các hình thức xử lý thích hợp. Theo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc, việc quản lý giá sẽ theo nguyên tắc: các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá nhưng chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ sở kinh doanh thuốc phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn về kê khai, kê khai lại giá và niêm yết giá.

Nếu cơ sở kinh doanh có giá kê bất hợp lý (giá bán cao hơn giá niêm yết đã đăng ký - PV) thì sẽ yêu cầu kê khai lại. Nếu tiếp tục vi phạm, có thể tạm dừng việc cấp số đăng ký với các mặt hàng mới, dừng xem xét việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ quảng cáo thuốc và có thể tạm ngưng cấp phép cho nhập khẩu lô hàng chưa có số đăng ký. Cuối tháng 12 này, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc kê khai giá.

. Xin cảm ơn ông! TỐ NHƯ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm