Chính phủ đang phải trả nợ thay cho nhiều doanh nghiệp

Ngày 1-3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về Nghị định 04/2017 thay thế Nghị định 15/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Ông Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết để giảm thiểu rủi ro cho Chính phủ trong bảo lãnh cho các doanh nghiệp, dự án vay vốn, Nghị định 04/2017 quy định từ ngày 1-3 mức bảo lãnh Chính phủ sẽ giảm từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của dự án...

Theo đó, mức bảo lãnh tối đa 70% áp dụng đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; mức bảo lãnh cao nhất 60% áp dụng với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỉ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và mức bảo lãnh tối đa 50% áp dụng đối với các dự án khác.

“Mức bảo lãnh của Chính phủ giảm nhằm giảm rủi ro cho hoạt động cấp bảo lãnh của Chính phủ trong bối cảnh không ít dự án đang gặp khó khăn trong thu xếp trả nợ, khiến chính phủ phải đứng ra trả nợ” - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, nghị định mới quy định giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm, đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp vào yếu tố tính phí bảo lãnh.

Theo ông Hoàng Hải, tính đến cuối năm 2016, nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13% GDP, nợ Chính phủ 53,62% GDP. Đóng góp đáng kể vào tỉ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh vào khoảng 10,2% GDP.

Tại cuộc họp, ông Hải cũng cung cấp thông tin về một số dự án được Chính phủ bảo lãnh nợ như dự án xi măng Hạ Long, xi măng Đồng Bành, Nhà máy giấy Phương Nam…

Ông Hải cho biết phần lớn các dự án xi măng được bảo lãnh trước thời gian xảy ra khủng hoảng nợ châu Âu, lúc thị trường bất động sản vẫn còn phát triển mạnh. Hiện dự án xi măng Đồng Bành đã được chuyển về cho Vissai và Vissai đã tiếp nhận và trả nợ đầy đủ; dự án xi măng Hạ Long chuyển về cho Vicem tiếp nhận và Vicem cũng đã trả đầy đủ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh khi đến hạn.

Riêng dự án Nhà máy giấy Phương Nam không có khả năng thu hồi vốn, Chính phủ đang phải trả nợ thay. “Chúng tôi đang đàm phán với đối tác ngân hàng của Áo để đàm phán phương án tài chính, chia sẻ rủi ro với khoản nợ này” - ông Hải cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.