Thứ trưởng Bộ Công thương: 'Đừng buộc tội chúng tôi'

“Nhà làm chính sách không mong muốn xây dựng chính sách để giết chết doanh nghiệp (DN)”. Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại hội nghị đối thoại với DN về thủ tục hành chính của ngành công thương được tổ chức ngày 27-9 ở Hà Nội.

Nguy cơ phá sản

Bà Nguyễn Thùy Trang, một DN gas đến từ Khánh Hòa, cho rằng Nghị định 19/2016 đưa ra quy định điều kiện đối với thương nhân phân phối gas phải có bồn chứa 300 m3 và 100.000-150.000 bình là quá khắt khe và bất hợp lý. Quy định này dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các DN đang phân phối khí gas.

Bà Trang phân tích: “Với quy định này mỗi công ty sẽ phải chi thêm khoảng 25-30 tỉ đồng để đầu tư vào hệ thống bồn chứa, bình gas. Đặc biệt quy định trên gây ra rất nhiều khó khăn cho DN nhỏ và vừa; nhất là đối với các tỉnh, huyện miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy kiến nghị Bộ Công Thương cần xem xét tạm dừng thực hiện những điều kiện nói trên và sửa đổi nghị định theo hướng bỏ điều kiện về quy mô kinh doanh khí gas”.

Tương tự, ông Trần Trung Nhật, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gas Thái Dương ở Tây Ninh, cho biết mỗi tháng công ty cung ứng cho thị trường trong tỉnh hơn 25.000 bình gas. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 19, công ty phân phối phải có đến 100.000 vỏ bình và bồn chứa dung tích tối thiểu 300 m3.

“Nghĩa là công ty của tôi phải đầu tư thêm gần 75.000 bình gas để đủ điều kiện hoạt động. Theo ước tính, để thực hiện quy định này, công ty phải có số vốn lên đến 100 tỉ đồng. Điều này là quá sức với hầu hết các DN nhỏ và vừa” - ông Nhật nêu thực trạng.

Ở một quy định khác cũng liên quan đến gas, bà Phạm Thị Hiền Lương, đại diện một DN kinh doanh gas tại tỉnh Bình Định, cho hay Nghị định 19 quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của đại lý kinh doanh gas là: Lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc ba thương nhân kinh doanh gas đầu mối. Bà cho rằng quy định như vậy là hạn chế quyền tự do kinh doanh của đại lý.

Nhiều DN kêu trời vì những quy định bất hợp lý của Bộ Công Thương. Ảnh: TP

Sao lại đá bóng sang bộ khác?

Bên cạnh lĩnh vực gas, tại hội nghị, nhiều DN kinh doanh ô tô cũng tỏ ra rất bức xúc về Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc, một công ty nhập khẩu ô tô đặt vấn đề: Theo quy định từ 1-7-2016, Thông tư 20 đã hết hiệu lực nhưng đến bây giờ đã gần ba tháng thông tư này vẫn đang có hiệu lực. Tại sao Bộ Công Thương không bãi bỏ ngay Thông tư 20 trong thẩm quyền của mình mà lại đẩy sang Bộ GTVT để làm một văn bản khác có tính chất tương tự Thông tư 20?

“Liệu có phải các nhà làm chính sách đang muốn bảo vệ DN lớn, không ủng hộ DN nhỏ hay không?” - ông Tuấn đặt vấn đề.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyết, đại diện một công ty nhập khẩu ô tô, đặt vấn đề quy định của Bộ Công Thương về điều kiện nhập khẩu ô tô cần có giấy ủy quyền chính hãng là thủ tục hành chính hay là điều kiện kinh doanh. Bởi với những yêu cầu mà Bộ Công Thương đưa ra như trong Thông tư 20 thì các công ty đều không thể nào tham gia được thị trường nếu không có giấy ủy quyền chính hãng.

Ông Quyết đặt câu hỏi: “Nếu đây là thủ tục hành chính, tại sao Bộ Công Thương không đưa lên thành nghị định để quản lý, cạnh tranh bình đẳng và các DN lớn, nhỏ cùng tham gia?”.

Sẽ điều chỉnh cho phù hợp

Trả lời bức xúc của các DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định quan điểm xây dựng chính sách là tạo điều kiện cho các DN kinh doanh theo trật tự thị trường. Nhà làm chính sách không mong muốn xây dựng chính sách để giết chết DN. Xin đừng buộc tội các nhà làm chính sách đang cố tình giết chết DN nhỏ và vừa, tạo ra lợi ích nhóm cho DN lớn.

“Với lòng mong muốn mang lại trật tự cho thị trường gas cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và DN nên phía những người soạn thảo không bao giờ muốn gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh gas. Bất cứ việc quản lý nào cũng hướng đến đa mục tiêu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho người sử dụng. Vì vậy có một số điều kiện đưa ra không thể đảm bảo công bằng chung cho tất cả đối tượng” - ông Khánh nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết việc mở ra hội nghị này không phải để nói suông mà để tiếp thu góp ý của người dân và DN. Cụ thể, ông Khánh cho biết lãnh đạo Bộ Công Thương đã giao cho các vụ, cục chức năng tổng hợp ý kiến của công ty kinh doanh gas, nhập khẩu ô tô... Từ đó, Bộ sẽ có hướng kiến nghị với Chính phủ để chỉnh sửa cho phù hợp.

Chậm ngày nào thiệt hại ngày đó

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, báo chí dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn kiểm điểm một số hạn chế của Bộ Công Thương. Thủ tướng đánh giá: “Người thì đông, đi vào rồi lại đi ra, làm việc không có hiệu quả thì làm sao phát triển được. Chúng ta cứ nói tái cơ cấu toàn ngành nhưng ngay trong bộ máy của Bộ Công Thương cũng còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín ngành”.

Theo Thủ tướng, thể chế, cơ chế quản lý thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương vẫn còn tình trạng nửa thị trường, nửa kế hoạch hóa, do tư duy cũ và lợi ích chi phối nên thiếu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong xây dựng chính sách và trong điều hành; cơ chế cạnh tranh và quản lý cạnh tranh, chống độc quyền còn hạn chế.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ hàng loạt quy định làm khó DN. Đơn cử như những vướng mắc tại Nghị định 19 cho DN kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất; bãi bỏ quy định về nhập khẩu ô tô theo Thông tư 20, đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại Thông tư 37…

“Thời gian không còn nhiều, chúng ta phải quyết liệt đổi mới. Chậm ngày nào, quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng, DN tiếp tục gặp khó khăn” - báo chí dẫn lời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

___________________________________

Theo luật sư Trương Thanh Đức, thành viên tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư, Bộ Công Thương đang đặt ra những quy định về quy mô, số lượng ở nhiều ngành nghề khiến cho không ít DN nhỏ không thể tham gia được thị trường. Không chỉ ngành ô tô hay khí gas, lĩnh vực khác như gạo, phân bón, xăng dầu… cũng đặt ra những yêu cầu tương tự.

Theo ông Đức, những quy định trên vi phạm quy định về quyền của DN tại Luật DN; vi phạm quy định về phân biệt đối xử giữa các DN và đi ngược lại những nguyên tắc về hỗ trợ và phát triển DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm