Công chức Bộ đi bán dưa cũng chỉ 'xoa dịu tạm thời'

Hiện nay nhiều nhóm tình nguyện đang huy động bán dưa hấu giúp bà con vùng lũ Quảng Nam. Còn bản thân Bộ Công thương, trước tình hình ùn ứ dưa hấu ở cửa khẩu Lạng Sơn, đã mua một xe dưa hấu đem về bán tại trụ sở bộ để chia sẻ khó khăn với nông dân.

Những việc làm này đã lan tỏa sự đồng cảm và hành động chung tay trong cộng đồng. Tuy nhiên, bao khó khăn, bế tắc trong việc giải quyết đầu ra cho dưa hấu nói riêng và các nông sản nói chung vẫn là bài toán khó, khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan.

Dưới đây là một số ý kiến của người trồng dưa, các chuyên gia nông nghiệp, kinh tế… mà Tuần Việt Nam ghi nhận. 

Ông Nguyễn Văn Bé, 67 tuổi, là nông dân trồng dưa tại ấp Bình Thạnh Đông, xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - địa phương trồng dưa hấu nổi tiếng khắp Nam Bộ từ đầu thế kỷ 20: “Phận nông dân trồng dưa có khác gì nhau!”

Xứ tôi trồng dưa tôi nên rất hiểu chuyện sống chết của nghề. Ở xã Bình Nhì của tôi không ít người trồng dưa bị ế, thua lỗ, không đủ tiền trả nợ lâm cảnh bế tắc.

Dưa hấu xứ tôi ngon nổi tiếng nhưng luôn bấp bênh như đánh bạc. Người trồng dưa bước vào vụ với tâm trạng “Năm ăn năm thua”. Thời tiết, khí hậu ảnh hưởng một phần nhưng không đáng lo như “thất chợ”( tức bán không được - TVN). Có người thất bại quá không dám trồng, đi làm mướn cho chắc ăn. Dân xứ tui thường nói, nghề trồng dưa cũng “Năm ăn năm thua như đá gà” vậy!”.

Nghe tin bà con trồng dưa miền Trung bị “thất chợ”, là người trồng dưa, chúng tôi rất thương. Phận nông dân trồng dưa có khác gì nhau.

dưa hấu, nông sản, nông dân, chuyên gia, doanh nhân, Trung Quốc

Dưa hấu được đem về bán tại trụ sở Bộ Công thương sáng 9-4. Ảnh:Việt Dũng/ Tuổi trẻ

PGS.TS Vũ Trọng Khải – Chuyên gia độc lập về kinh tế Nông nghiệp, nguyên hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ quản lý Nông nghiệp: Nhà nước phải kết nối từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Mấy ngày qua cả xã hội quan tâm, lo lắng cho người trồng dưa. Trên Facebook, người ta phát động phong trào mua dưa hấu, ăn dưa hấu. Thậm chí Bộ Công thương cũng “nhập cuộc”, phát động “bán dưa giúp dân”… Đây là điều đáng quý, rất tình rất nghĩa sẻ chia với người nông dân lúc tuyệt vọng, bí bách.

Song cần nói thẳng nói thật với nhau. Cái “chết” của nông dân trồng dưa không phải mới mẻ, lạ lẫm gì. Chỉ là “đến hẹn lại lên”. Nhắc lại, tôi rất buồn và không muốn nói thêm. Nhưng thấy bà con rơi vào cảnh ngộ khốn cùng này, xót xa, đau lòng quá!

Tôi và các chuyên gia đã nghiên cứu và phát biểu rất nhiều lần. Rằng, nền SX nông nghiệp hàng hóa mà cứ để nông dân và thương lái tự xoay sở thì làm sao họ lo nổi? Chính sách của Nhà nước là phải “kích” vào khâu tiêu thụ, kết nối SX với thị trường, nói một cách hình ảnh là tổ chức SX “từ đồng ruộng đến bàn ăn”. Ở đây, chúng ta cứ để mặc SX, chính sách có chăng cũng chỉ “phát triển SX” nhưng không có địa chỉ giải quyết tiêu thụ sản phẩm thì kết quả như “dưa hấu Tân Thanh” là tất nhiên.

Nhà nước cần thiết kế chính sách hướng cho DN tham gia tìm thị trường, từ đó quay lại tổ chức SX, kết nối lại với nhau để SX và tiêu thụ phải đi liền với nhau. Chính DN chứ không phải thương lái, và càng không phải nông dân mới có khả năng nghiên cứu, điều tra tìm thị trường. Tôi đã nói rõ, “ông” DN cần đi qua TQ tìm hiểu mới biết vùng nào của họ dùng dưa hấu, vùng nào không. Để từ đó mới tổ chức SX và mang qua tiêu thụ.

Còn hiện nay người trồng dưa, thương lái và cả cơ quan quản lý Nhà nước chẳng ai biết vùng nào của TQ tiêu thụ dưa hấu của ta. Cứ chở tới biên giới bán tiểu ngạch được chăng hay chớ. Lúc nào họ mua cho thì sống, họ không mua thì “chết”.

Tôi rất ngạc nhiên khi từng nghe một quan chức Bộ NN&PTNT phát biểu: “Cơ chế của chúng ta chưa bảo vệ người nông dân”. Nói như thế này chẳng khác gì Bộ này đứng ngoài cuộc. Chính Bộ NN&PTNT có trách nhiệm trong chuyện kiến tạo, xây dựng cơ chế bảo vệ nông dân chứ ai vào đây.

Dường như người có trách nhiệm vẫn còn vô cảm, không thấy trách nhiệm. Khổ nỗi, sự vào cuộc của xã hội, kể cả Bộ Công thương với phong trào “Bán dưa giúp dân” cũng chỉ là xoa dịu tạm thời, chốc lát…

Ông Lâm Minh Chánh, doanh nhân, nhà đầu tư: Tìm đầu ra chứ không phải tiêu thụ từng xe hàng

Theo tôi, việc yêu thương, hỗ trợ nông dân là một hành động nhân văn đáng trân trọng của cộng đồng và các nhóm tình nguyện. Song việc này chỉ mang tính chất tạm thời, ngắn hạn. Nếu chúng ta có thể biến những tình cảm yêu thương, lòng trắc ẩn này thành một chương trình quốc gia ủng hộ hàng Việt, như Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng thành công,  thì hiệu quả sẽ tốt, bền vững hơn gấp nhiều lần.

Tôi đọc trên báo Tuổi trẻ được biết ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng: “Đây là vấn đề lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng người dân vẫn không rút ra bài học và phớt lờ khuyến cáo của ngành”. Theo tôi, ông Hường nói như vậy là chưa hết trách nhiệm.

“Lỗi” lớn của cơ quan chức năng là chưa  tạo được niềm tin từ người dân, và không chủ động, không có một biện pháp cụ thể trong việc hỗ trợ người nông dân. Họ vẫn chưa xắn tay áo để xuống vườn, ruộng cùng dân; họ vẫn chưa biết dùng kiến thức đã học để hướng dẫn dân trồng gì, nuôi gì cho hiệu quả;  họ vẫn chưa sẵn sàng tìm kiếm thị trường, kết nối DN nghiệp tiêu thụ giúp nông dân.

Bộ Công thương vừa đưa xe dưa hấu về kêu gọi mọi người mua. Việc này chứng tỏ cái tâm của công chức, lãnh đạo Bộ, nhưng mặt khác lại cho thấy cái tầm của họ, khi chưa làm được việc lớn là giúp nông dân xuất khẩu.

Ở những vị trí quản lý, họ phải làm việc lớn – phải suy nghĩ kiếm đầu ra, để xuất khẩu nông sản; chứ đâu đi tiêu thụ từng xe hàng. Điều này làm tôi nhớ đến lời kêu gọi Bí thư, chủ tịch Tỉnh “xuống đường” của Bộ trưởng bộ GTVT. Theo tôi, làm như thế là sai việc, và chứng tỏ bộ máy bên dưới – dù rất cồng kềnh – nhưng không hiệu quả.

dưa hấu, nông sản, nông dân, chuyên gia, doanh nhân, Trung Quốc
Những nhóm tình nguyện nhiệt tình tổ chức bán dưa hấu giúp người dân vùng lũ. Ảnh:VTC News

Nhà báo Trần Đăng Tuấn:"Thị trường có sự điều tiết của con tim"

Qua các vụ vải, dưa hấu không bán được, bây giờ lại nghe về hành tím nữa... phải chăng nên suy nghĩ về một phương thức nối thật nhanh khu vực chăn nuôi, trồng trọt và khu vực tiêu thụ trong các tình huống khẩn cấp cần trợ giúp nông dân. Ví dụ như lập Chợ nông sản "Bầu Bí" tại ngoại ô Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, xe tải nặng có thể chở nông sản đang ứ đọng từ các vùng đến, và mọi người sẽ đến mua khối lượng lớn, rồi toả vào thành phố phân phối lẻ.

Người dân luôn có tấm lòng, chỉ có điều cần người tổ chức. Theo tôi, những ai thông thạo việc này có thể lập DN xã hội để lo một cách chuyên nghiệp. Thành phố ưu tiên địa điểm. Truyền thông góp sức. Khi đó người nông dân sẽ không đơn độc và không bị ép giá do phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch. Mọi cái vẫn trên nền tảng thị trường, nhưng có sự hỗ trợ của tình đồng bào. Mình gọi đó là "Thị trường có sự điều tiết của con tim".

GS.TS Võ Tòng Xuân, Chuyên gia NN, hiệu trường ĐH Tây Đô: Nông dân VN “tự do” nhất thế giới là vậy!

Đây là ví dụ điển hình trả lời cho câu hỏi vì sao nông dân cứ mãi nghèo đói!

Vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong chuyện này rất lớn. Lâu nay cứ để cho nông dân tự bơi, muốn trồng gì thì trồng, muốn chặt gì thì chặt. Trồng cây gì, nuôi con gì chẳng ai mua. Nông dân VN “tự do” nhất thế giới là vậy.

Chúng ta đã có Nghị quyết Tam nông của Đảng. Đây là kết tinh từ trí tuệ của nhiều nhà khoa học đóng góp vào thành chủ trương, đường lối phát triển SXNN. Nhưng phải nói thẳng rằng  đến nay các Bộ chuyên ngành, các địa phương không thực hiện nghiêm túc. Gần như họ vẫn lo giữ ghế của mình hơn là lo cho nông dân.

Các DN nước ta cũng rất thụ động, không có tư duy kinh doanh, chỉ bắt chước, chạy theo. Thương lái nước ngoài đặt mua lá khoai, rễ cây thì quay sang lợi dụng nông dân để thu mua chứ không qua TQ tìm hiểu, ký hợp đồng cung cấp. Nông dân ta không được quan tâm nên cứ tâm lý đám đông, thấy ai làm gì thì chạy theo. Chẳng biết thực hư ra sao.

Nói tóm lại là cả một “dây chuyền” có lỗi trong chuyện này. Và nếu cứ cung cách và tư duy như hiện nay thì vấn đề như dưa hấu tắc cửa khẩu cứ lặp lại hoài, “đến hẹn lại lên”…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.