Công ty của bầu Đức nợ 15.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), tính đến 31/12/2011, tổng nợ phải trả là 15.493 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2010, số nợ phải trả của công ty này chỉ 10.261 tỷ đồng. Cũng tính đến ngày 31/12, tổng tài sản của HAGL là 25.576 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên tài sản là 63%.

Công ty của bầu Đức nợ 15.000 tỷ đồng ảnh 1
Công ty do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch đã tái cơ cấu nguồn vốn và tài sản để chuẩn bị đối phó khủng hoảng từ năm 2008. Ảnh: Nhật Minh.
Về con số này, một chuyên gia kinh tế cho rằng: "63% là con số đáng báo động bởi nó cao hơn mức trung bình so với các tiêu chuẩn của quốc tế". Trong khi đó, ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán FLC lại không đồng tình với quan điểm trên. "63% thì không vấn đề gì. Ngân hàng thậm chí còn có thể cho doanh nghiệp vay gấp 10 lần vốn chủ sở hữu. Vấn đề ở đây là nợ này được dùng vào đâu và hiệu quả của tài sản này thế nào", ông Thắng nhận xét. Phản hồi về vấn đề này với VnExpress.net, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của HAGL - Võ Trường Sơn - cho rằng không nên suy đoán từ hệ số nợ này bởi có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến thiệt hại cho các cổ đông. "Muốn đánh giá chính xác tình hình tài chính cần phải có đầy đủ các thông tin về hoạt động kinh doanh, đầu tư, kỳ hạn nợ, cơ cấu tài sản, kế hoạch dòng tiền của các dự án. HAGL đã chuẩn bị các kịch bản đối phó với khủng hoảng từ năm 2008 nên tình hình hiện nay không có gì cấp bách cả", ông Sơn phân tích. Về cơ cấu nợ, khoản nợ chịu lãi suất của HAGL (tính đến 31/12/2011) là 11.622 tỷ đồng (chiếm 75% tổng nợ phải trả). Tổng các khoản vay và nợ ngân hàng là 5.696 tỷ đồng. Trước lo ngại khoản chi phí lãi có thể "ăn" vào lợi nhuận, ông Võ Trường Sơn khẳng định điều này không đáng lo ngại. Trong cơ cấu nợ, phần lớn các nợ là vay đầu tư dự án. Chi phí lãi vay sẽ được hạch toán vào giá trị xây dựng cơ bản của tài sản sau này cấu thành nên tài sản cố định và sẽ được khấu hao khi đưa vào kết quả kinh doanh của từng dự án. "Nhờ vậy mà chi phí lãi sau này sẽ phù hợp với doanh thu tạo ra và không ảnh hưởng tới lợi nhuận chung của HAGL", Phó tổng giám đốc tài chính của HAGL giải thích. Tháng 12 năm ngoái, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's từng thông báo hạ xếp hạng tín nhiệm của HAGL với lý do triển vọng về năng lực và khả năng thanh khoản của công ty không tốt. Tuy nhiên, phân tích về cơ cấu tài sản và nguồn vốn của công ty, ông Võ Trường Sơn cho rằng HAGL đã có sẵn một cái "đệm" an toàn về thanh khoản: "Hiện tỷ trọng nguồn vốn dài hạn trên tổng tài sản của HAGL chiếm đến 73%.  Trong khi đó tài sản dài hạn chỉ chiếm 48%. Như vậy, phần nguồn vốn dài hạn được sử dụng để tài trợ cho tài sản ngắn hạn là 25%". Bên cạnh đó, ông Sơn nói thêm, các khoản nợ dài hạn có kỳ hạn phù hợp với kế hoạch dòng tiền của từng dự án đầu tư nên sẽ không tạo rủi ro lớn về thanh khoản.Tổng tài sản ngắn hạn của HAGL đến hết 31/12/2011 là 13.308 tỷ đồng. Trước những lo ngại về khả năng trả nợ, công ty do ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch cho rằng chỉ cần thu hồi một nửa tài sản ngắn hạn là có thể thanh toán hết nợ ngắn hạn. Tài sản ngắn hạn của HAGL chiếm đến 52% tổng tài sản, trong khi đó nợ ngắn hạn chiếm 27% tổng nợ. Gần đây, nhiều đồn đoán về việc HAGL nợ nần xuất hiện sau khi công ty này tung đợt giảm giá sốc đối với một số căn hộ tại TP HCM. Lãnh đạo HAGL khẳng định, công ty không bán phá giá bất động sản mà chỉ là bán giá thấp hơn do có lợi thế về chi phí, giá thành. Đại diện của HAGL lý giải: "Hàng tồn kho của chúng tôi là căn hộ đang xây, gồm các dự án đã bán 100%, các dự án đang làm móng có lợi thế về chi phí thấp nên nếu cần tiền, công ty có thể bung ra bán bất cứ lúc nào". Theo Thanh Thanh Lan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm