Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả?

Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả? ảnh 1


Tỷ trọng vốn của khối doanh nghiệp Nhà nước trong tổng vốn của nền kinh tế hàng năm luôn cao nhất - Ảnh : Việt Tuấn.



Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty  Nhà nước”, sáng 13/8, với cương vị Trưởng đoàn giám sát.

Vốn nhiều, doanh thu ít

Báo cáo dài 28 trang do Chủ nhiệm Hiền trình bày được nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là công phu, cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến “sức khỏe” của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Từ năng lực tài chính đến hệ số an toàn vốn, công nợ và chất lượng nợ…Mặc dù đến nay "Chưa có cơ quan Nhà nước nào nắm được một cách đầy đủ, kịp thời thông tin về vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty", kết quả giám sát cho thấy.

Theo chủ nhiệm Hiền, nếu phân tích một cách chi tiết, bóc tách và so sánh với doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước nói chung, các tập đoàn, tổng công ty nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế.

Có những tổng công ty do mất phần vốn nhà nước ở các đơn vị thành viên nên phần vốn chủ sở hữu toàn công ty bị âm trong 3 năm liên tiếp, làm thất thoát tài sản mỗi năm một nhiều hơn nhưng vẫn hoạt động.

Chưa kể, một số doanh nghiệp xây dựng, sản xuất "có cơ cấu tài chính bấp bênh, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không được bảo đảm". Năm 2006, có 38 (40%) tập đoàn, tổng công ty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng ba lần, năm ngoái có 31 đơn vị. Nhiều tập đoàn, tổng công ty  lớn có tổng nợ cao gấp hơn 10 lần.

Và một bảng so sánh về mối quan hệ giữa vốn, doanh thu và sử dụng lao động của ba loại hình doanh nghiệp đã được đưa ra để chứng minh rằng, tỷ trọng vốn của khối doanh nghiệp Nhà nước trong tổng vốn của nền kinh tế từng năm luôn cao nhất. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu luôn thấp hơn so với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Điều này khiến Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “chưa thấy yên tâm” với đánh giá đa số các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động có hiệu quả của đoàn giám sát.

“Liệu đánh giá thế này có phải không, đặc biệt trong mối quan hệ với doanh nghiệp dân doanh và FDI thì tỷ trọng doanh thu thấp hơn hẳn, tổng nợ quá hạn còn lớn, nhất là nợ có khả năng mất vốn…?”, đại biểu Thuận băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần phân tích kỹ thêm nguyên nhân tăng trưởng là do làm ra lợi nhuận hay do bán tài sản Nhà nước. Dẫn các con số cụ thể để phân tích, ông Hiển chỉ ra thực tế “1 đồng vốn chưa đầy 1 đồng doanh số” chứ “chưa anh nào một vốn bốn lời cả”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình đặt vấn đề liệu có cần đến 90 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như hiện nay không, trong khi “có doanh nghiệp chả phải là rường cột của nền kinh tế”.

Cần đánh giá khách quan hơn?

Bên cạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh, báo cáo giám sát cũng đánh giá về hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tài chính, (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư). Hiện có 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2008 là 21.164 tỷ đồng.

Đây là vấn đề dư luận và cả Quốc hội cũng rất quan tâm, nhiều vị đại biểu nhấn mạnh. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn yêu cầu qua giám sát phải khẳng định dùng ngân sách đầu tư ngoài lĩnh vực là đúng hay không đúng.

Theo trưởng đoàn giám sát Hà Văn Hiền, hiệu suất đầu tư vào lĩnh vực tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung là thấp, phần lớn thấp hơn hiệu quả kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Không ít trường hợp đã bị thua lỗ, thất thoát vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, đây chỉ là đánh giá bước đầu. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, bản báo cáo giám sát  này sẽ được hoàn chỉnh thành báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì để đánh giá đầy đủ khách quan về hoạt động của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thì nên thống nhất về phạm vi thu thập thông tin và số liệu, tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá. Vì hiện nay tiêu chí của cơ quan quản lý Nhà nước khác với tiêu chí của đoàn giám sát.

Bộ trưởng Ninh cũng đề nghị, nên tách việc đánh giá nhiệm vụ sản xuất kinh doanh thông thường và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đánh giá về tồn tại cần nêu cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Ninh kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế, đoàn giám sát làm việc thêm với các bộ, ngành liên quan để đánh giá cho chuẩn, nếu cần thì mời cả các tập đoàn, tổng công ty lên báo cáo và giải trình thêm.  Ý KIẾN BẠN ĐỌC VỀ CHỦ ĐỀ NÀY (Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết.) Nguyễn Tuấn Duy13/08/2009 16:15 (GMT+7) Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được ngân sách Nhà nước cấp vốn (tiền của dân) và hầu hết các đơn vị nay độc quyền trong một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế quốc dân, do vậy họ có và được hưởng rất nhiều lợii thế và ưu đãi so với những doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Tuy nhiên nếu đánh giá một cách công bằng thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thu được hiệu quả lớn hơn nhiều so với hiện tại. Việc đánh giá "đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động có hiệu quả" là chưa thoả đáng.  

                                                                                                                             Theo Minh Thúy (VnEconomy)

huyenvi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm