Đầu tư kẹt trong hệ thống giấy tờ lỗi thời

Mặc dù Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) giữa kỳ đã khép lại trong tuần qua nhưng câu chuyện về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh được cộng đồng DN quốc tế đặt ra đối với Việt Nam vẫn còn nóng hổi. Vấn đề được giới đầu tư đặc biệt quan tâm chính là gánh nặng thủ tục hành chính.

Cẩn trọng hiện tượng “nền kinh tế Zero”

Dù được đánh giá đã và đang nỗ lực trong thời gian gần đây nhưng Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về mức độ cải thiện thành lập DN; về cấp điện, đóng thuế, giải quyết DN mất khả năng thanh toán. Đã có thời điểm nhiều DN châu Âu tính đến chuyện rời bỏ Việt Nam. Cụ thể, theo kết quả khảo sát lần thứ 12 về chỉ số kinh doanh của các DN châu Âu do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) công bố vào quý III-2013, có khoảng 20% DN châu Âu cho biết đang cân nhắc chuyển dịch việc kinh doanh của họ từ Việt Nam sang một nước ASEAN khác.

Theo ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội DN Nhật, nếu Chính phủ không xử lý các vấn đề về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do sắp tới thì sẽ không thu hút được vốn đầu tư cho công nghiệp. Thay vào đó, Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm cho các nước láng giềng.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: HTD

Nếu môi trường đầu tư kém, thủ tục rườm rà, quốc gia không sở hữu nền công nghiệp mạnh, thị trường xuất-nhập phụ thuộc nước ngoài… thì hiện tượng “kinh tế Zero” - nền kinh tế có nội lực “bằng không” - sẽ sớm tìm đến Việt Nam.

Mất 208 ngày/năm chỉ để… làm vận đơn

Đại diện cho các công ty vận tải biển quốc tế tại Việt Nam nêu hàng loạt bất cập trong các yêu cầu về vận đơn, chứng từ sở hữu ở hồ sơ miễn thuế theo Hiệp định thuế áp dụng cho các công ty vận tải biển quốc tế tại Thông tư 156/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, số lượng vận đơn phát sinh từ các hoạt động thương mại quốc tế tại Việt Nam có thể lên đến 100.000 bản mỗi năm. Các công ty vận tải biển phải liên hệ với các văn phòng nước ngoài, truy dấu con tàu và thu thập đúng các chứng từ cho mục đích kê khai thuế tại Việt Nam.

“Thông thường, chúng tôi phải mất 60-90 ngày mỗi năm chỉ để thu thập các chứng từ sở hữu cho mỗi bộ hồ sơ xin miễn thuế theo Hiệp định thuế. Với số lượng vận đơn lên đến 100.000 bản mỗi năm, chúng tôi mất 100.000 phút, tương đương 208 ngày làm việc mỗi năm để cung cấp đầy đủ các vận đơn. Với hàng ngàn bản sao chứng từ sở hữu mà chúng tôi phải lưu trữ, có thể thấy rằng cơ quan thuế Việt Nam đang tạo ra một gánh nặng quá sức đối với hoạt động kinh doanh của các công ty vận tải biển tại Việt Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam do làm tăng giá thành xuất khẩu” - vị này than phiền.

Ông Fred Burke, đồng trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại, cho rằng Việt Nam đang bị mắc kẹt trong hệ thống giấy tờ lỗi thời. Fred Burke chứng minh “một công dân Đan Mạch xin giấy phép lao động không thể đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận lý lịch tư pháp không phạm tội từ Đan Mạch, bởi vì các giấy chứng nhận đó chỉ có trực tuyến và các bản in trực tuyến không thể hợp pháp hóa ở Việt Nam”. Hay như các công ty từ một số bang của Mỹ không thể đáp ứng được yêu cầu trình bản sao đã được hợp pháp hóa của báo cáo tài chính đã được kiểm toán của họ vì ở nước họ các báo cáo này được nộp trực tuyến và chính quyền của họ không ký hoặc chứng nhận các bản sao này.

Hỗ trợ thị trường thay vì can thiệp không cần thiết!

Theo ông Fred Burke, Việt Nam cần thay đổi tư duy “từ quản lý sang hỗ trợ” cho các hoạt động kinh doanh chính đáng. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ không cần can thiệp một cách không cần thiết vào thị trường và làm méo mó giá cả thị trường. Câu chuyện khó khăn của Việt Nam trong việc thị trường hóa giá nhiên liệu và năng lượng trong những năm gần đây là một ví dụ.

Tránh kiểm soát giá cả cũng là giúp bảo vệ chống lại những cáo buộc về nền kinh tế phi thị trường từ các đối tác thương mại, cho rằng hàng xuất khẩu của Việt Nam được trợ giá hoặc bán với giá thấp hơn giá thị trường.

Hội DN Mỹ tại Việt Nam cũng đề nghị các bộ/ngành cần có chỉ số đo lường hiệu quả công việc. Chẳng hạn như ngày cấp giấy phép, số giờ để hoàn thành quyết toán thuế, số ngày thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu để đo lường và tăng cường hiệu quả tương tác giữa nhân dân và DN.

THU HẰNG

 

Hàng loạt cải cách môi trường đầu tư từ năm 2014

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cụ thể trong giai đoạn 2014-2015, rút ngắn thời gian thành lập DN tối đa xuống còn sáu ngày; giảm thời gian nộp thuế từ 872 giờ xuống còn 171 giờ/năm; rút ngắn thời gian được bắt đầu tiếp cận điện năng còn tối đa 70 ngày thay vì 115 ngày; thu hẹp thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu còn 13 đến 14 ngày thay vì 21 ngày; giảm một nửa thời gian giải quyết thủ tục phá sản còn 30 tháng.

Học hỏi Lào, Campuchia về thủ tục thị thực

Hội DN châu Âu tại Việt Nam khuyến nghị khách nhập cảnh vào Việt Nam không nhất thiết phải hoàn thiện các thủ tục xin thị thực trước khi hạ cánh. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Lào hoặc Campuchia việc cấp và thu phí xin thị thực được tiến hành ngay tại cửa khẩu. Các thủ tục, chính sách, mức phí cấp thị thực tại sân bay khác nhau phải được tiến hành theo một chỉ dẫn chung với các yêu cầu minh bạch, thống nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm