'Đẻ' thêm thủ tục, hàng trăm container kẹt tại cảng

Trước tình trạng hàng trăm container điều thô nhập khẩu và điều nhân xuất khẩu khi về tới cảng TP.HCM buộc phải lưu công, lưu bãi chờ thông quan do vướng mắc các quy định mới về khai báo hải quan, mới đây Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã có công văn gửi các bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT cùng Tổng cục, Chi cục Hải quan các tỉnh, thành phố đề xuất giải pháp xử lý.

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINACAS, cho biết trước đây doanh nghiệp được phép làm thủ tục khai báo hải quan và kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nơi hàng đến (một cửa), thông qua Chi cục Hải quan tại TP.HCM với thời gian và thủ tục thông quan nhanh chóng.

Tuy nhiên hiện nay, sau khi Công văn số 4828/2017 và Công văn số 4824/ 2017 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) có hiệu lực, các doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan của tỉnh, thành phố nơi cơ sở đặt cơ sở sản xuất (như ở Bình Phước và Đồng Nai).

Hiệp hội Điều Việt Nam cho rằng quy định mới này đã phát sinh thêm “một cửa thứ 2”, vì việc kiểm dịch thực vật đối với mặt hàng điều vẫn bắt buộc phải thực hiện tại TP.HCM. Trong khi cơ quan kiểm dịch thực vật Vùng II không thể lấy mẫu kiểm dịch ngay khi hàng về tới cảng TP.HCM, phải đợi hàng hóa đã được kiểm tra xong bởi Chi cục Hải quan của tỉnh, thành phố - nơi có doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất sau đó mới tiến hành lấy mẫu kiểm dịch.

Do đó, một số lô hàng của các doanh nghiệp sẽ phải vận chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố có liên quan để thông quan và có thể từ các tỉnh, thành phố trở về TP.HCM (để kiểm dịch), sau đó lại quay người lại để các tỉnh, thành phố (để nhập kho và đưa vào sản xuất)

Theo VINACAS, quy định mới tạo ra việc vận chuyển lòng vòng, gây lãng phí thời gian và các chi phí liên quan cho doanh nghiệp như phí lưu công, lưu bãi, gia tăng thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng về kho của doanh nghiệp; trì hoãn thời gian xếp dỡ và tiến độ sản xuất, giao hàng…

Chính vì vậy, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan cho phép doanh nghiệp ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan ở TP.HCM hoặc Chi cục Hải quan của tỉnh, thành phố nơi có doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp. Việc này sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế của ngành điều khi lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn và vòng quay trong sản xuất, chế biến nhanh.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng kiến nghị về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tiếp tục gửi báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ về những vướng mắc trong Quyết định 15/2017/QĐ-về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.

Hiện tại, hàng hóa thuộc danh mục quy định tại Điều 1 Quyết định 15/2017/QĐ-TTg được chuyển cửa khẩu về cảng đích ghi trên vận đơn để làm thủ tục nhập khẩu nếu cảng đích là cảng biển, cảng hàng không. Riêng với các bến phao, bến thủy nội địa, các ICD của Công ty TNHH Phước Long, nếu hàng hóa thuộc danh mục có ghi cảng đích trên vận đơn là các điểm này thì doanh nghiệp được phép chuyển khẩu về đây để làm thủ tục.

Tuy nhiên, với trường hợp các Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư, gia công thuộc Cục Hải quan các TP: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, theo quy định tại Quyết định 15/2017 thì hàng hóa thuộc Danh mục quy định tại Điều 1 phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, các chi cục hải quan nêu trên không phải là chi cục hải quan cửa khẩu nên không được làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục này.

Như vậy, các doanh nghiệp vẫn phải đăng ký làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan nơi doanh nghiệp có nhà máy, cơ sở sản xuất nhưng hàng hóa không được chuyển về ICD (các tỉnh, thành phố) mà để tại các cảng dỡ hàng. Theo các doanh nghiệp, quy định vô hình vẫn làm cản trở hoạt động sản xuất, gia công của doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.