Địa ốc mở rộng cửa chờ khách ngoại

Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) mới có hiệu lực từ ngày 1-7 gần như đã mở toang cánh cửa thị trường BĐS để chào đón Việt kiều, nhà đầu tư người nước ngoài đến kinh doanh cũng như mua nhà ở tại Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, hai luật này sẽ tạo điều kiện cho BĐS Việt thu hút nguồn vốn ngoại, đặc biệt khi thị trường BĐS đang bắt đầu có nhiều dấu hiệu hồi phục.

Không còn phải nhờ người khác đứng tên

Bà Helene, quốc tịch Pháp, quyết định mua một căn biệt thự tại quận Thủ Đức (TP.HCM) vào năm 2009 với giá gần 5 tỉ đồng. Do vướng quy định người nước ngoài không được mua nhà nên bà nhờ một người quen đứng tên giùm, thỉnh thoảng về ở một vài tháng rồi quay lại Pháp.

Đến năm 2015, vì muốn bán căn biệt thự này, bà liên lạc để làm thủ tục thì mới té ngửa giấy đỏ đứng tên người khác đang thế chấp tại ngân hàng. Chưa hết, ngân hàng thông báo nếu không trả nợ căn biệt thự có thể bị xiết.

Một trường hợp khác là anh KayDan đang dạy học tại một trường Anh ngữ quốc tế ở TP.HCM với mức thu nhập hơn 50 triệu đồng/tháng song vẫn không thể mua nhà. Anh tìm hiểu để mua nhà thì chủ đầu tư từ chối vì anh là người ngoại quốc.


Người nước ngoài có thể mua nhà, vay vốn mua nhà. Ảnh: NS

Nhưng từ nay trở đi, những trường hợp như bà Helene, anh KayDan sẽ được thoải mái mua nhà tại Việt Nam. Bởi theo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực từ ngày 1-7, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở được sở hữu. Còn cá nhân, tổ chức nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam cũng được tiếp cận nhà ở, chẳng hạn có thể chuyển từ thuê sang mua nhà.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nói thời gian qua người nước ngoài, Việt kiều phải nhờ người khác đứng tên nên xảy ra không ít trường hợp tranh chấp, kiện tụng và rủi ro rất lớn đối với người nước ngoài, Việt kiều.

“Luật Nhà ở sửa đổi lần này đã mở ra nhiều cơ hội cho người nước ngoài sở hữu căn nhà mang tên mình và qua đó giảm thiểu rủi ro cho người nước ngoài như trước đây” - ông Hiếu nói.

Người nước ngoài có được mua nhà trả góp?

Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM cho hay thực tế số người nước ngoài tại các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp… rất đông. Chỉ tính riêng tại khu Phú Mỹ Hưng đã có hàng chục ngàn người nước ngoài đang sinh sống. Vấn đề là làm sao để bán nhà được cho họ bởi liên quan đến các thủ tục hành chính, thời gian…

Thêm nữa, một vấn đề mà nhiều người nước ngoài cũng quan tâm là họ muốn mua nhà tại Việt Nam nhưng chưa có đủ tiền, trong khi vay rất khó khăn dù thu nhập hằng tháng rất cao. Anh KayDan thắc mắc: “Vậy Luật Nhà ở mới có cho phép người nước ngoài mua nhà trả góp hay không?”.

Trả lời câu hỏi này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, nói Luật Nhà ở mới quy định người nước ngoài được phép mua nhà chứ không nói không được vay mua nhà. Về lý thuyết, quy định cho phép mua thì không kể là mua trả góp hay mua bằng 100% giá trị căn nhà. Ngay trong Luật Tổ chức tín dụng cũng có quy định cho phép người nước ngoài vay vốn. “Việc người nước ngoài vay tiền mua nhà phụ thuộc vào chế độ chính sách ở mỗi ngân hàng” - ông Đức nói.

Tuy vậy, theo ông Hiếu, khách hàng là người nước ngoài mua nhà trả góp thường không nhiều vì đa số họ đều là những người có đủ tiền để mua 100% giá trị căn nhà. “Với những sửa đổi trong luật mới, chắc chắn thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ lành mạnh hơn. Trong đó sự nề nếp, chất lượng đầu tư, dịch vụ… sẽ được nâng lên”.

Về câu hỏi liệu thị trường BĐS có ấm lên, thanh khoản sẽ tăng, hàng tồn kho sẽ giảm nhờ mở cửa cho người nước ngoài và Việt kiều, ông Hiếu nhận định rằng BĐS phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Câu chuyện của giá cả mua và bán. “Nhưng tôi kỳ vọng khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhất định thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở lại và thanh khoản trên thị trường BĐS sẽ tăng” - ông Hiếu nhận định.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng việc khai thông thị trường BĐS cho người nước ngoài là một quyết định đúng, góp phần tạo động lực cho thị trường này. Song không nên ảo tưởng sẽ có sự tăng trưởng đột biến về cầu ở nhóm đối tượng này. Để có được làn sóng người nước ngoài mua nhà thì cần thêm nhiều yếu tố, chẳng hạn như hành lang pháp lý cụ thể phải thông thoáng.

Hút vốn ngoại vào bất động sản

Thay vì đầu tư vào các dự án BĐS du lịch như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài ngay từ đầu năm 2015 đã săn tìm các dự án BĐS nhà ở tại Việt Nam. Ví dụ: Tập đoàn Hamon Developments (Anh) đã quyết định đổ vốn vào dự án chung cư cao cấp tại khu Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Không chỉ phân khúc cao cấp, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rót vốn vào các dự án nhà ở giá rẻ. Hai công ty BĐS Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam mua lại toàn bộ dự án nhà ở phân khúc trung bình tại quận 9.

QUANG HUY

Quy định tỉ lệ cho phép người nước ngoài mua nhà ở trong một chung cư không quá 30%; trong một khu vực cấp phường tổng số căn nhà người nước ngoài được mua không quá 350 căn nhà, bao gồm nhà phố và chung cư là không phù hợp. Bởi có những nơi tập trung rất nhiều người nước ngoài, nhiều dự án cho người nước ngoài ở như các phường tại quận 1, quận 2...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

ĐHĐCĐ năm 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công

(PLO)- Sáng 28-3, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

Giá vàng miếng SJC bất ngờ 'nóng' trở lại

(PLO)- Thị trường vàng trong nước có phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đáng nói là trong khi vàng nhẫn tăng không đáng kể thì vàng miếng SJC lại có bước nhảy vọt, vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

Tranh cãi về đề nghị điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc

(PLO)- Hai doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn ở Việt Nam đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thông tin này gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ ngành thép.