DN hết mặn mà với kích cầu du lịch

Mới đây, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có buổi làm việc với các hãng hàng không cùng các doanh nghiệp (DN) lữ hành liên quan đến chương trình kích cầu du lịch nội địa 2014. Đáng lưu ý là số lượng các DN tham gia chương trình năm nay đã giảm hẳn so với năm 2013.

Ít người mua, DN rút tên

Theo số liệu mà Hiệp hội Du lịch TP.HCM công bố, đến cuối năm 2013, chương trình kích cầu đã lấy vé và tổ chức cho 34.137 lượt khách đi tour, tăng 115% so với cả năm 2012 (15.810 khách). Hiệp hội cũng cho rằng chương trình kích cầu nội địa đã tác động tốt đến thị trường trong nước.

Tuy nhiên,“con số như trên là quá thấp so với thực tế số lượt khách đi du lịch. Từ con số này có thể thấy được rằng chương trình kích cầu chưa thành công. Kích cầu mới chỉ là chương trình hành động” - ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, nói.

Một DN khác cũng cho biết thêm năm 2014, DN này không tham gia chương trình kích cầu. Lý do mà DN này đưa ra đó là chương trình kích cầu đã không còn hấp dẫn.

“Chương trình kích cầu bao gồm cả hàng không, các dịch vụ ăn uống, khách sạn, vận chuyển cùng tham gia giảm giá. Nhưng thực tế chỉ có hàng không giảm giá, còn các dịch vụ khác thì vẫn mạnh ai nấy làm. Chưa kể mức giảm của hàng không lại đi kèm khá nhiều điều kiện khiến lữ hành khó đáp ứng. Thậm chí nếu không bán được đúng số vé đã đăng ký, lữ hành còn phải chịu phạt. Vì vậy chúng tôi thấy không còn phù hợp nên không tham gia nữa” - DN này nói.

Nhiều DN không mặn mà với chương trình kích cầu du lịch vì không mang tính đồng bộ trong các dịch vụ. Ảnh minh họa: HTD

Chưa hết, cũng theo vị này các hãng hàng không hiện nay có quá nhiều chương trình khuyến mãi. Vậy nên không cần tham gia chương trình kích cầu DN này cũng đặt được vé máy bay giá rẻ. Thậm chí có khi vé máy bay còn rẻ hơn cả với chương trình kích cầu.

Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng Nhóm kích cầu TP.HCM, cho rằng khó khăn hiện nay của nhóm kích cầu đó là chương trình kích cầu không đồng bộ, các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, xe vận chuyển chưa cùng giảm giá mạnh.

“Cái khó hiện nay là chương trình kích cầu đề nghị các khách sạn, dịch vụ ăn uống giảm giá. Thế nhưng họ không giảm mà thậm chí có tăng thì lữ hành cũng phải chịu. Ví dụ như suất ăn của khách, trước đây hãng lữ hành chỉ phải đặt khoảng 90.000 đồng/suất nhưng giờ đặt giá đó không ai nhận mà phải tăng lên 110.000 đến 120.000 đồng/suất” - ông Dũng nói.

Giảm luôn cả chất lượng dịch vụ

Thậm chí, theo các DN, bên cạnh những khó khăn trên hiện có tình trạng một số DN lợi dụng bán tour kích cầu nhưng đã cắt giảm một số dịch vụ đi kèm và không phải khách hàng nào cũng nhận ra. Ví dụ, với tour miền Trung như Huế - Đà Nẵng - Hội An, có DN quảng bá giảm giá tour này tới 30% thế nhưng soi kỹ mới phát hiện DN này đã “bắt” khách phải tự chi trả phí đi cáp treo lên Bà Nà (khoảng 500.000 đồng). Chưa kể nhiều du khách cũng phàn nàn về chất lượng bữa ăn không ngon.

Theo ông Long, Tổng Giám đốc Du lịch Việt, lý do khách không mặn mà với chương trình kích cầu đó là giá tour giảm hiện giờ là chuyện quá bình thường. Nếu tất cả hãng lữ hành cùng chạy đua, cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá kịch liệt mà không xem lại chất lượng tour thì coi như tự giết mình và giết ngành du lịch.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đúng là có tình trạng giảm số lượng DN tham gia chương trình kích cầu 2014. Bên cạnh đó là tình trạng một số DN đã cắt giảm chất lượng tour khiến du khách mất niềm tin. Song không phải tham gia kích cầu là không có ưu đãi, đơn cử như lĩnh vực hàng không, điểm mạnh của chương trình kích cầu là DN có thể đặt vé cho cả đoàn. Trong khi nếu DN mua vé từ các chương trình khác thì không thể có vé giá rẻ cho cả đoàn.

MAI PHƯƠNG

 

Kích cầu du lịch càng ngày càng tụt lùi?

Từ năm 2009, Tổng cục Du lịch đã phát động chương trình Kích cầu du lịch nội địa với mức giảm lên đến 49% giá tour. Khi đó, các hãng lữ hành cùng hàng không, các dịch vụ khách sạn, ăn uống đều rất mặn mà và hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, chương trình này chỉ diễn ra được hai năm và đến năm 2011 thì bị ngắt quãng.

Đến năm 2012, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã phát động các hãng hàng không cùng lữ hành và khách sạn, dịch vụ ăn uống cùng tham gia. Tuy nhiên, đến nay chương trình vẫn chưa thực sự tạo được hiệu ứng mạnh với thị trường nội địa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm