Doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu hàng hoá khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ

Chiều nay (30/10), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết hợp cùng Công ty luật Greeblum & Bernstein, PLC của Mỹ tổ chức hội thảo: “Thương hiệu Việt và thị trường Hoa Kỳ”.

Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vững bước trong giai đoạn hội nhập mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; đồng thời giúp Doanh nghiệp nắm vững những thông tin về bảo hộ thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ và EU.

Tại hội thảo, Luật sư Lê Quang Vinh (Văn phòng luật sư Leadco) cho biết: “Số lượng nhãn hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại nước ngoài còn rất khiêm tốn.

Hiện có khoảng 2.000 nhãn hiệu đăng ký theo phương thức kết hợp, trong đó có 153 nhãn hiệu của Việt Nam nộp đơn theo MA (Madrid Agreement) và MP (Madrid Protocol) so với số lượng đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam: 58.866 nhãn hiệu của nước ngoài vào Việt Nam.

Chỉ sau hơn 1 năm, từ 11/7/2006, đã có 452 nhãn hiệu của Mỹ đăng ký vào Việt Nam, 257 của EU, 232 của Nhật Bản chỉ định vào Việt Nam theo MP”.

Theo ông Niel F.Greenblum thuộc Công ty Luật Greenblum & Bernstein, PLC (Hoa Kỳ) thì các doanh nghiệp khi vào thị trường Hoa Kỳ cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải am hiểu Luật Sáng chế Mỹ.

Theo luật này, để yêu cầu bảo hộ đối với sáng chế thì tính hữu ích của sản phẩm phải được doanh nghiệp chứng minh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chứng minh được tính mới, phát hiện lần đầu tiên của sản phẩm để yêu cầu được bảo hộ. Thời gian bảo hộ thường từ 17-20 năm.

Các diễn giả của hội thảo trình bày về Luật sở hữu trí tuệ của Mỹ và ảnh hưởng của chúng tới những doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, nguyên liệu đã, đang và sẽ xuất sang thị trường Mỹ - châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về Dược phẩm, Sinh học và Hoá học.

Các diễn giả tham gia hội thảo cũng đưa ra dẫn chứng về những tranh cãi xung quanh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá mà các thương hiệu Vinataba, Trung Nguyên, Duy Lợi… đã gặp phải. Các diễn giả nhấn mạnh việc cần thiết phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trước khi tính đến việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo Vũ Hạnh (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm