Doanh nghiệp chưa mặn góp ý xây dựng luật

Sáng qua (17-3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực doanh nghiệp, hiệp hội trong công tác tham vấn, hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật kinh doanh.

Nguyên nhân 1: Ý kiến không được coi trọng

Hiện nay, theo quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản thì các cơ quan soạn thảo văn bản phải công khai dự thảo cho người dân, doanh nghiệp được góp ý kiến. Ngoài ra, quy định bắt buộc cơ quan soạn thảo phải giải trình rõ việc tiếp thu ý kiến nào, không tiếp thu ý kiến nào, tại sao... và đăng công khai giải trình này trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. Việc này nhằm đảm bảo các cơ quan này ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp một cách nghiêm túc chứ không phải “nghe cho có”!

Nhưng theo ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng ban Pháp chế VCCI, mặc dù công tác xây dựng pháp luật ngày càng tiến bộ, công khai, minh bạch, hiệu quả vẫn chưa cao một phần do quy định còn thiếu sót, một phần do doanh nghiệp chưa chủ động, quyết liệt. Cụ thể là có doanh nghiệp không thấy ý kiến của mình được tiếp thu, cũng không rõ vì sao bị loại bỏ nên không thèm góp ý nữa.

Nguyên nhân 2: Có cách “giải quyết” khác

“Một lý do khác là doanh nghiệp nghĩ rằng có thể giải quyết việc riêng của mình bằng nhiều cách nên chưa mặn mà với góp ý xây dựng pháp luật” - ông Huỳnh cho biết.

Hiệu quả góp ý xây dựng pháp luật không cao còn do cách tổ chức của ban soạn thảo. Luật sư Phan Thông Anh - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến còn hình thức, nhất là các hội thảo thông thường được tổ chức trong một buổi và mất quá nhiều thời gian để trình bày dự thảo, tóm tắt một vài ý kiến đóng góp trước đó, gợi ý một số nội dung cần tập trung và... nghỉ giải lao. Cuối cùng chỉ còn khoảng hai đến hai giờ rưỡi cho các đại biểu góp ý. Lẽ ra nên gửi bản dự thảo trước ngày tổ chức để doanh nghiệp còn xem và chuẩn bị ý kiến đóng góp.

Nguyên nhân 3: Chưa biết hợp tác

Tuy nhiên, cũng có những cuộc hội thảo lấy ý kiến rất nghiêm túc nhưng chỉ nhận được vài ba ý kiến góp ý mà thôi. Thậm chí nhiều buổi góp ý dự thảo hoặc đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhiều doanh nghiệp lại chỉ xoáy vào chuyện than thiếu tiền và đề nghị giảm thuế.

Bên lề hội thảo, một luật sư cho rằng doanh nghiệp chưa quyết liệt và cũng chưa biết tận dụng cơ hội góp ý. Nhiều khi thấy quy định, thủ tục bất lợi nhưng chỉ góp ý chung chung là quy định vậy thì gây khó khăn cho doanh nghiệp, nên bỏ quy định đó, thủ tục đó đi. Những góp ý như vậy thường sẽ bị phớt lờ vì cơ quan soạn thảo sẽ giải trình với Chính phủ rằng bỏ thủ tục đó thì làm sao quản lý được.

Luật sư này cho rằng khi muốn bỏ một quy định, doanh nghiệp phải bàn với nhau trước để tập trung ý kiến, đưa ra dẫn chứng và số liệu thực tế về thiệt hại của doanh nghiệp, đánh giá tác động khi cơ quan quản lý không chịu bỏ quy định đó, thậm chí có thể hợp nhau lại nghiên cứu ra một phương án khác đỡ bất lợi hơn cho doanh nghiệp. Có như vậy thì ý kiến góp ý mới nặng ký và thuyết phục được.

Để làm được như vậy, doanh nghiệp sẽ mất công hơn nhưng hiệu quả ngay từ đầu, vẫn còn hơn là đợi đến khi văn bản được ban hành, đi vào thực tế, gây khó khăn, thiệt hại vài ba năm rồi mới bắt đầu la làng để được chỉnh sửa.

VCCI hiện cũng cho đăng tải các bản án liên quan đến tranh chấp thương mại, hợp đồng kinh tế, tranh chấp trong tổ chức nội bộ doanh nghiệp... Ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng việc đăng tải công khai các bản án sẽ giúp doanh nghiệp có minh họa thực tế, học cách xử lý tình huống và tránh vấp sai lầm. Hơn nữa, nếu bản án có vấn đề bất ổn trong xét xử, vận dụng pháp luật thì cũng được công khai mổ xẻ. Cạnh đó, việc đăng công khai bản án cũng giúp các tòa ý thức hơn trong việc xét xử.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm