Ông lớn 'giành giật' quyết liệt thị phần OTT

Bất chấp sự có mặt hai tên tuổi lớn và sừng sỏ trên thị trường OTT (các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) như YouTube và Netflix, các doanh nghiệp (DN) Việt đã tỏ rõ khả năng cạnh tranh quyết liệt nhằm tìm kiếm lợi nhuận đầy tiềm năng trong tương lai.

Sức hấp dẫn

“Với tốc độ tăng trưởng của Internet cộng với sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng tích hợp nhiều chức năng, Smart TV, HD box, cùng với sự dịch chuyển của người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho Internet, điều này sẽ hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ cho OTT” - bà Trần Thị Thanh Mai, Giám đốc Công ty Kantar Media, cho biết.

Trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội kinh doanh, vào đầu tháng 6 vừa qua, Viettel đã đưa ra một dịch vụ OTT có tên Keeng Movies - chuyên cung cấp xem phim trực tuyến.

Theo ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media - đơn vị vận hành Keeng Movies, các nghiên cứu của Viettel cho thấy người dùng Internet luôn tìm kiếm xem phim trực tuyến và tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, lên đến 20%/năm. Đây cũng là một trong những lý do để Keeng Movies ra đời.

Keeng Movies đi theo chiến lược cung cấp phim có bản quyền đến từ sự hợp tác của các hãng phim lớn tại Hollywood như 20th Century Fox, NBC Universal, Warner Bros… và các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc như KBS, MBC.

“Hiện nay xem phim trực tuyến có bản quyền chỉ có chưa đến 8% các đơn vị cung cấp, còn lại là phim lậu, do đó việc đầu tư một kho phim là một sự nghiêm túc để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng” - ông Hải cho biết.

Và Viettel cũng không phải là đơn vị duy nhất đầu tư mạnh cho các OTT của mình. Trong thời gian ngắn, thị trường OTT tại Việt Nam có sự bùng nổ mạnh mẽ với sự tham gia của các ông lớn từ hãng nội địa như VTV, VTC, K+, SCTV, FPT Telecom, VNPT, BHD, Galaxy cho đến các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhảy vào tham gia chia miếng bánh thị phần đầy tiềm năng như iFlix, Netflix.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng xem video trực tuyến hằng tuần.

Còn theo tổ chức nghiên cứu Muvi, trong ba năm tới, ước tính doanh thu thị trường OTT tại khu vực Đông Nam Á có thể đạt tới con số 650 triệu USD/năm. Hiện ở Việt Nam cũng đã có đến 30 sản phẩm OTT, qua đó có thể thấy tiềm năng, dư địa thị trường này đầy hứa hẹn.

Tại thị trường Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị nội địa và nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT. Tuy nhiên, ưu thế vẫn thuộc về các DN ngoại vì không bị đánh thuế cũng như kiểm duyệt nội dung, chưa kể sức ép đến từ các trang web cung cấp OTT vi phạm bản quyền.

Để vượt qua các đối thủ trên thị trường, không có cách nào khác, các DN phải tìm các lợi thế cạnh tranh sống còn. Chẳng hạn, với FPT Play cung cấp các dịch vụ nhờ vào hợp tác với các đơn vị sản xuất nội dung có chất lượng. Hay VTVCab cung cấp dịch vụ OTT một cách miễn phí và nhờ vào lượt xem (view) cao để tìm quảng cáo bù đắp chi phí. Cách chơi này tương tự với ông lớn YouTube.

Theo các chuyên gia, để có thể cùng tồn tại và đủ sức cạnh tranh với OTT nước ngoài thì các DN Việt nên cùng hợp tác với nhau xây dựng nội dung số để tìm kiếm cơ hội, thay vì cạnh tranh nhau trong một cuộc đua xuống đáy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm