Doanh nghiệp không được “tự tung tự tác” giá xăng

Doanh nghiệp không được “tự tung tự tác” giá xăng ảnh 1
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex (ảnh), khẳng định: “Trước đây, Nhà nước thực hiện quyền định giá xăng dầu do cùng lúc Chính phủ phải thực hiện nhiều mục tiêu. Giá bán trong nước không chỉ dựa vào giá nhập khẩu mà còn phụ thuộc vào chính sách thuế, việc trích hoặc chi quỹ bình ổn giá... Các yếu tố này, DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu không quyết định được. Khi các yếu tố liên quan đến chính sách thuế được xác lập thì việc giao quyền quyết định giá cho DN hay cơ quan nhà nước về cơ bản không có gì khác nhau. Bởi DN hay Nhà nước đều phải căn cứ vào nguyên tắc chung là Nghị định 84 của Chính phủ năm 2009 và Thông tư 234 của Bộ Tài chính năm 2012”.

Kiểm toán và NTD sẽ giám sát giá

. Phóng viên: Năm 2009, liên bộ cũng từng trao quyền định giá cho DN nhưng rồi phải rút lại vì DN liên tiếp đề nghị tăng giá, do đó dư luận vẫn nghi ngại với quyết định lần này?

+ Ông Trần Ngọc Năm: Trên thực tế, từ quý IV-2008 và quý I-2009, giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục giảm nhưng từ quý II-2009 trở đi, giá bắt đầu tăng dần. Để không lỗ, DN phải đề nghị tăng giá. Điều đó cũng giống như hiện nay, giá xuống liên tục thì điều chỉnh giảm.

Kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2009 của Petrolimex đạt 2.660 tỉ đồng. Trong số lợi nhuận đó, Bộ Tài chính cơ cấu trong giá bán 1.403 tỉ đồng để DN hoàn trả ngân sách Nhà nước về khoản ứng lỗ xăng lũy kế trước ngày 21-7-2008. Như vậy, mức lợi nhuận thực tế là 1.257 tỉ đồng, nếu tính bình quân cho số lít bán ra thì khoảng 145 đồng/lít, trong khi lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở quy định là 300 đồng/lít. Các số liệu này có thể trả lời cho việc dư luận có nên nghi ngại hay không.

Doanh nghiệp không được “tự tung tự tác” giá xăng ảnh 2

Nếu chính sách thuế ổn định thì NTD có thể kiểm soát được tình hình giá xăng. Ảnh: HTD

. Khi DN tự quyết sẽ có nhiều mức giá khác nhau. Liệu có chuyện 12 đầu mối bắt tay để ấn định một mức giá?

+ DN được quyền quyết định giá nhưng cũng chỉ trong biên độ của Nghị định 84, bên cạnh đó là sự kiểm soát của liên bộ Tài chính - Công Thương, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và đặc biệt là sự giám sát của ntd qua công thức giá. Trong kinh doanh, DN nào cũng muốn gia tăng thị phần, vì vậy các DN sẽ dùng cơ chế giá bán để cạnh tranh.

Ở các nước, giá bán giữa các cây xăng có thể khác nhau vì họ hoàn toàn theo thị trường, không có chuyện DN kinh doanh nhưng lại vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị như ở ta. Tôi nghĩ đến một thời điểm nào đó, VN cũng thực hiện được như các nước có nền kinh tế thị trường.

Điều chỉnh cách tính giá cơ sở

. Sắp tới, các DN, nhất là Petrolimex sẽ minh bạch như thế nào để ntd tin rằng giá trong nước đang theo sát thị trường? 

+ Bản chất công thức giá cơ sở đã rất minh bạch, chỉ cần điều chỉnh một số bất cập như chi phí kinh doanh định mức (hiện là 600 đồng/lít nhưng DN cho biết phải chi 800-900 đồng/lít - PV), chu kỳ xác định giá bán với thời gian yêu cầu về tồn kho…

Trong trường hợp chính sách thuế được giữ ổn định thì với công thức tính giá cơ sở hiện nay, ntd có thể tính toán và kiểm soát được. Nếu ntd thống nhất giá xăng dầu thế giới tăng bao nhiêu thì giá bán xăng dầu trong nước tăng bấy nhiêu và ngược lại thì tôi tin giá bán trong nước sẽ bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới.

. Petrolimex từng công khai giá cơ sở nhưng sau đó cũng bị ngắt đoạn. Tới đây, Petrolimex có quay lại việc công khai này nữa không, thưa ông? 

+ Đúng là Petrolimex từng làm nhưng thời điểm đó đã có không ít ý kiến cho rằng Petrolimex muốn chứng minh cho việc đề nghị tăng giá của các đầu mối. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng công thức tính giá cơ sở cần phải thống nhất lại phương pháp tính toán... Vì vậy, Petrolimex tạm thời dừng việc đưa thông tin này trên trang điện tử của mình.

Petrolimex đã đề nghị liên bộ quy định các DN đầu mối phải công khai giá cơ sở trên trang web của đơn vị. Petrolimex sẽ thực hiện khi có trả lời của liên bộ về kiến nghị này.

. Xin cảm ơn ông.

Đề phòng DN dùng “chiêu”

Việc để DN ấn định giá, bám sát cơ chế thị trường là điều nên làm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước rất cần cơ chế kiểm soát, tránh trường hợp DN dùng “chiêu” để qua mặt. Ví dụ, DN có thể định giá độc quyền để bóc lột NTD, chi phối nguồn chi phí để hợp pháp hóa giá. DN cũng có thể nhập xăng dầu giá cao trong khi có nguồn giá rẻ lại không nhập, bắt người dân phải gánh sự lười biếng của họ hoặc là nhập xăng không tốt nhưng bán với giá xăng tốt. Ngoài ra, các DN còn lại có thể liên minh với DN thống lĩnh thị trường để thỏa thuận ấn định giá… Tất cả những điều đó, Luật Cạnh tranh đều quy định và có thể xử lý được. Vấn đề là cơ quan quản lý có đặt các DN của mình vào sự kiểm soát của Luật Cạnh tranh không? Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cần vào cuộc để kiểm soát DN.

TS NGUYỄN NGỌC SƠN, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Lo ngại DN “lười biếng”!

Cơ chế quản lý xăng dầu vẫn còn một vài điều chưa rõ ràng thì việc Nhà nước để DN ấn định giá sẽ khiến NTD lo lắng. Bởi lẽ với thị phần quá lớn của Petrolimex, ai sẽ kiểm soát nếu DN đó “lười biếng” và nhập những đơn hàng giá cao rồi bắt buộc NTD phải mua. Tôi ủng hộ để thị trường xăng dầu bám sát cơ chế thị trường nhưng không nên buông hoàn toàn, vẫn cần có cơ chế giám sát chặt DN.

Ông NGUYỄN ANH TUẤN, quận 3, TP.HCM

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm