Đòi ưu đãi thuế để cứu ô tô Việt

Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách ưu đãi với ngành ô tô trong nước vẫn còn nằm trên giấy. Năm 2018, thuế suất nhập khẩu đối với xe ngoại sẽ về mức 0%, nếu không có chính sách tốt, ổn định sẽ khiến ngành ô tô trong nước thất bại. Lo ngại trên được các doanh nghiệp (DN) ô tô trong nước nêu ra tại tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành ô tô Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 27-4.

Nhiều chính sách hỗ trợ ngành ô tô còn nằm trên giấy

Theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), hiện nay tổng năng lực sản xuất-lắp ráp ô tô trong nước khoảng 460.000 chiếc/năm, trong đó xe con là 200.000 chiếc, xe tải và xe khách là 215.000 chiếc, còn lại là các dòng xe khác. Phần lớn ngành ô tô mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp giản đơn. Tỉ lệ xe nội địa hóa chiếm rất nhỏ như dòng xe con Trường Hải (Thaco) đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam đạt trên 37%, xe tải nhẹ Thaco đạt trên 33%, Vinaxuki đạt trên 50%. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, sản xuất ô tô của Việt Nam đang đứng sau Thái Lan (881.000 xe/năm) và Indonesia (1,2 triệu xe/năm).

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco), dù chiến lược phát triển ô tô đã phê duyệt nhưng đến nay các bộ, ngành vẫn chưa có văn bản hướng dẫn khiến DN băn khoăn. Đến thời điểm này chỉ duy nhất một mục tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt được, còn lại tất cả mục tiêu khác từ sản lượng xe đến tỉ lệ nội địa hóa... đều không đạt. Trong khi đó, năm 2018, thuế suất đối với lĩnh vực ô tô sẽ đưa từ mức 50% về 0%, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả. Nếu duy trì sản xuất xe trong nước thì các sắc thuế đều phải được điều chỉnh hợp lý.

Lắp ráp ô tô tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: HTD

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho rằng năm 2014, Bộ Công Thương đã đề nghị rất nhiều chính sách hỗ trợ ngành ô tô như giảm thuế, hỗ trợ vốn với lãi suất bằng 0%, tạo điều kiện để có công nghệ hiện đại nhưng thực tế tất cả vẫn nằm trên giấy tờ.

Ông Huyên nêu thực tế các DN Việt Nam mới chỉ dừng lại khâu lắp ráp bởi dễ làm và lãi cao. Các DN rất muốn nâng cao tỉ lệ nội địa hóa song chính sách của Nhà nước lại không ổn định. Nếu đầu tư vào công nghiệp ô tô thì không có lãi, thậm chí lỗ vốn. “Người Việt Nam vừa sản xuất phụ tùng lại còn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay thì chỉ có nước chào thua. Nhà nước cần xem xét lộ trình điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo sự cạnh tranh của các DN trong nước” - ông Huyên đề xuất.

Tiếp tục bảo vệ sản xuất trong nước

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Yoshihisa Maruta cho rằng công nghiệp ô tô Việt Nam rất có tiềm năng với dân số trên dưới 100 triệu người. Thế nhưng ngành sản xuất trong nước đang bắt đầu phát triển lại phải đối mặt với thuế xe nhập khẩu về mức 0% năm 2018. Điều này khiến các DN sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh. Vì vậy, Nhà nước cần phải bảo vệ sản xuất trong nước phát triển cho đến khi quy mô sản xuất đảm bảo vững chắc. “Các nước như Thái Lan và Indonesia đều có chính sách bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô phát triển ổn định. Trước đây chúng ta có ưu đãi về thuế, thị trường trong nước bùng nổ, sau này chúng ta hạn chế về thuế thị trường thu hẹp trở lại” - ông Yoshihisa Maruta nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm ô tô thì bắt buộc phải có sự phát triển của các nhà sản xuất. Đặc biệt là sản xuất các chi tiết, linh kiện. Do vậy cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Việt Nam cần phải tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong việc sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất phụ tùng linh kiện nhằm hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của DN để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đi đúng hướng.

Toyota đòi điều kiện nếu ở lại Việt Nam

Công ty Toyota Việt Nam vừa có kiến nghị lên Chính phủ về ưu đãi cho ô tô trong nước. Theo Toyota, sự tồn tại của ngành công nghiệp ô tô đang bị đe dọa sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN còn 0% trong khi chi phí sản xuất trong nước cao hơn 20% chi phí sản xuất của xe nhập khẩu. Nguyên nhân là do sản lượng sản xuất trong nước nhỏ và tỉ lệ nội địa hóa thấp. Cụ thể, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN là 50% năm 2015 xuống 0% năm 2018, thuế nhập khẩu linh kiện từ ASEAN từ 0%-5% về 0%. Với chính sách thuế như hiện nay, giá xe trong nước thấp hơn giá xe nhập khẩu là 10% nhưng với thuế suất được áp dụng từ năm 2018 thì giá xe sản xuất trong nước cao hơn nhập khẩu đến 25%.

Do vậy, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ, Toyota rất khó duy trì sản xuất ở Việt Nam sau 2018. Toyota kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên tạo sự công bằng về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu linh kiện bằng cách thay đổi giá tính thuế từ giá bán của nhà sản xuất thành giá xuất xưởng. Hỗ trợ về giá trị tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu trong 10 năm; giảm thuế thu nhập DN. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước theo hai cách: Giảm 20% giá tính thuế hoặc giảm thuế suất 45% về 35%.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay không có chuyện Toyota xem xét ngừng sản xuất ở Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu về chính sách thuế đối với đề nghị của Toyota; các xem xét này sẽ dựa trên các quy định thuế của Việt Nam và các cam kết quốc tế để bảo đảm môi trường đầu tư của các DN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm