3 ngày ở Sóc Trăng - Trà Vinh không nghe chửi tục

Đến Trà Vinh, hỏi khắp nơi từ bà bán bún ở chợ thâm niên hơn 30 năm, cô bán cháo cá, ông chủ tiệm tạp hóa người Hoa (vì chợt nhớ đến trong một quyển truyện nào đó của Bình Nguyên Lộc đọc hơn 45 năm trước, người Tiều tức Triều Châu coi cháo là món ăn chính, họ nấu cháo còn hạt “trưu trứu”).

Không ai biết. Không ai từng nghe về cái tên cháo ám. Họ đều có phản ứng giống nhau, cười, bảo chắc tên đó được mấy ông nhà báo đặt bậy. Làm tôi đâm ngờ, đặc sản Trà Vinh mà dân Trà không biết!

Trở lại con đường đi tìm hồn phố cũ, sáng hôm sau ở Sóc Trăng, tôi trở lại kinh Maspero bờ đối diện quán bún Cây nhãn, tôi gặp rạp hát Nguyễn Văn Kiển. Cái kiến trúc lừng lẫy một thời làm nên một thị xã phồn hoa bây giờ chỉ còn cái xác. Rạp hát bán điểm tâm, bán cà phê xô bồ hỗn độn. Đậu đại xe trước cửa một tiệm tạp hóa chụp vội tấm ảnh rồi đi. Thoáng nhìn mặt ông chủ tiệm khó đăm đăm lặng ngắm trời mây, tưởng ông khoác tay đuổi. Nhưng không. Bước đến hỏi ông về rạp Nhị Trưng, ông vồn vã kể và chỉ đường, phía sau ông đó, đường Hai Bà Trưng, phải đánh một tua trở lại vì đường một chiều. Một chị khách hàng cũng tham gia tranh nói, rạp này hồi đó tên Dân Ta… đi chậm nhìn bên trái trên cao mới thấy vì phía dưới người ta chia năm xẻ bảy bán hàng. Hai người dân hiếu khách líu lo tận tình chỉ dẫn, còn chỉ góc chéo xa xa bên kia sông, căn nhà nhiều tầng xây dở bỏ đó xưa là rạp Hòa An.

3 ngày ở Sóc Trăng - Trà Vinh không nghe chửi tục ảnh 1
Điện ảnh Hí viện Nhị Trưng

Trở lại Hai Bà Trưng, nhìn trên cao thấy bốn chữ đúc Điện ảnh Hí viện, điêu tàn sau thời vang bóng. Về hỏi Tuấn Vương Quốc, cháu ruột ông già “Hơn nửa đời hư” Vương Hồng Sển. Xác tín đúng là rạp Nhị Trưng của ông Vương Minh Quan, em ông Sển, giờ trong đó còn bàn thờ ông Sển và bà Năm Sa Đéc.

Nhắc lại ông Sển mới nhớ những năm 80 chơi với Tuấn, đến dãy nhà sau thuộc Vân Đường Phủ đường Nguyễn Thiện Thuật, Gia Định, vẫn hay gặp bà Năm Sa Đéc ngồi võng phía sau nhà, còn ông lúc đó đang soạn bộ tự điển gì đó, ngày nào cũng lụi hụi với mấy hộp đựng fiche. Tuấn kể nhà trên là của ông, chứa đồ cổ và sách. Con cháu và cả vợ không được bước lên. Giờ cơm, dọn lên đó một mâm, ông ăn một mình. Nhờ Tuấn Vương Quốc mà được ngồi nói chuyện với ông vài lần, giọng ông sang sảng, tiếng Tây làu làu. Đầu những năm 90, khi làm ở báo Người Lao Động, tôi được ông cho mượn bản thảo cuốn hồi ký đánh máy Hơn nửa đời hư, in vài kỳ. Lúc đó sách của ông chưa tái bản.

Vân Đường phủ giờ cũng tàn phai, các rạp hát xưa trên đường Sóc Trăng trở thành “phế tích”.

Chạnh nghĩ chuyện bên Tây, ville nào có được những di sản như vậy, nếu con cháu không làm thì ắt chính quyền sẽ làm, biến nó thành một bảo tàng gì đó, bán vé cho du khách đến xem. Không nói đâu xa, căn nhà của Jean François Millet, ở làng họa sĩ tiền ấn tượng Barbizon, thành bảo tàng từ 1922. Một ngôi làng nhỏ hàng chục bảo tàng. Còn như nhà của Narcisse Diaz de la Penã không làm bảo tàng thì được gắn bảng trang trọng và bảo tồn nguyên trạng như nó vốn có hồi thế kỷ 19. Đến Barbizon chỉ để thăm chốn xưa của các họa sĩ. Thế thôi. Vậy mà cũng náo nhiệt, nườm nượp khách hàng ngày.

3 ngày ở Sóc Trăng - Trà Vinh không nghe chửi tục ảnh 2

Ngôi chùa Khmer

Những ngôi chùa Miên cổ, Sóc Trăng Trà Vinh không hiếm, vài trăm năm tuổi. Tôi không nói nhiều vì có nhiều bài nghiên cứu sâu. Chỉ cảm thấy đồng ý với nhận định: Mỗi ngôi chùa này là một công trình mỹ thuật độc đáo. Nói chuyện với các nhà sư, tôi gọi thầy, họ bảo Phật giáo Nam tông gọi là sư. Họ gần gũi, nhập thế. Tôi thấy họ không hòa tan vào đời sống thế tục đến mức đi Lexus, Q7 và lấp lánh iPhone 7 Plus…, không phá chùa bằng xây dựng dày đặc, cổ vũ mê tín lễ cúng linh đình.

Hầu như bất cứ ai tôi gặp trên đường, kể cả những thanh niên tướng tá thấy bặm trợn nhưng khi hỏi chuyện, họ đều vui vẻ, tận tình. Cái nền giáo dục gia đình vẫn còn ảnh hưởng sâu đến phong cách ứng xử xã hội của họ: Lịch sự, thật thà, chân thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm