Ứng xử với di sản Phong Nha không phải là cổng chào

Phong Nha-Kẻ Bàng là di sản hai lần được UNESCO công nhận với các tiêu chí đặc biệt toàn cầu. Năm 2017, doanh thu từ các dịch vụ hang động như Sơn Đoòng, Phong Nha, Tiên Sơn, Én, Thiên Đường… đạt hơn 220 tỉ đồng. Về du lịch, Phong Nha-Kẻ Bàng đang ngày một sáng giá; về khoa học, di sản này ngày càng được biết đến nhiều trên thế giới.

Bên trong di sản này còn sở hữu một kho tàng văn hóa của người Vân Kiều, A Rem, Rục, Sách, Ma Coong, họ hiện còn rất khó khăn, những tộc người này chưa vượt qua được chuẩn nghèo. Người A Rem ở xã Tân Trạch có 100 hộ, nghèo toàn tòng. Năm nào cũng phải nhận trợ cấp gạo của Nhà nước vì sống giữa vùng lõi di sản mà không được làm bất cứ việc gì tác động tiêu cực đến núi rừng. Và họ giữ đúng cam kết từ ngày Phong Nha “lên” di sản đến nay.

Nhìn con số dự án cổng chào 9,5 tỉ đồng với cách thiết kế, phối cảnh không ăn nhập không gian đường vào di sản, người ta xót xa cho những phận đời giữ rừng ở giữa vùng lõi di sản. Nếu cái cổng chào đó được hình thành thì đi qua bóng cái cổng đó, phận đời A Rem, Ma Coong, Vân Kiều, Rục… có thoát được nghèo?

Trước đây, một cái cổng chào trên đường 20-Quyết Thắng đã được dựng lên bằng bê tông hóa với mục đích tạo ranh giới vào Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và là điểm nhấn cho du khách chụp ảnh nhưng nó đã thất bại vì không ai vào một khu rừng nhiệt đới lại chụp ảnh với khối bê tông nặng nề. Cái cổng chào đó hiện có tác dụng cho kiểm lâm hạ cần barie kiểm soát lâm sản xe ra vào vườn.

Trở lại với cái cổng chào đang được trình dự án và báo chí đưa ảnh phối cảnh lên với cái giá 9,5 tỉ đồng. Không có cái dự án cổng chào này thì Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn danh giá toàn cầu và ngày càng hấp dẫn du khách, vẫn là di sản thiên nhiên thế giới, vẫn là khối núi đá vôi hơn cả vườn thượng uyển lừng lững giữa trời xanh.

Không cổng nào bằng cái cổng nguyên sơ. Không có ranh giới nào bằng cái ranh giới tự nhiên. Hai bên đường Hồ Chí Minh tuyến Tây dự định đặt cổng chào cốt thép bê tông ấy vốn là hai dãy núi hùng vĩ. Hai vách núi ấy là cái cổng lớn lao, khổng lồ, hài hòa, tự nhiên, đẹp đẽ. Còn cái hình ảnh cổng thiết kế bê tông cốt thép đặt vào nó ám luôn cảnh quan núi rừng, lạc lõng, vô duyên và xơ cứng so với cái hoang sơ thiên nhiên.

Ứng xử với di sản Phong Nha không phải là cổng mà là sự tương kính. Đó mới là cánh cổng đi vào lòng mến mộ. Một tấm biển nhỏ ghi ranh giới vườn thì nó là cái cổng khiêm nhường nhưng đầy trí tuệ, khoa học, văn hóa, cốt cách... Một cái cổng vẽ vời thật to nhưng đằng sau cái cổng là bao phận đời không được cơ may như cái cổng đó mới là niềm trăn trở đáng giá để đầu tư. Khi dân bên trong di sản còn nghèo thì cổng chào hoành tráng mà chi cho thêm đau lòng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm