Dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản: Hơn 1 triệu tỉ đồng

Sáng 31-10, tại phiên QH thảo luận tình hình kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có báo cáo về tình hình nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) và những giải pháp phá băng thị trường này. Ông Dũng đánh giá, thị trường BĐS đang đóng băng, rất ít giao dịch. DN BĐS rất khó khăn nhưng bộ phận lớn người dân nghèo vẫn thiếu nhà ở. Tính đến 31-8-2012, dư nợ tín dụng BĐS khoảng 203.000 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu khoảng 6,6% (theo báo cáo NHNN). Còn nếu tính dư nợ tín dụng liên quan đến BĐS (cho vay kinh doanh BĐS, vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh thế chấp bằng BĐS) đã lên đến khoảng 57% tổng dư nợ, ước hơn 1 triệu tỉ đồng.

Phân tích nguyên nhân, ông Dũng nói do thời gian qua thị trường BĐS phát triển tự phát theo phong trào và thiếu quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến cung rất lớn so với cầu. Hiện cả nước có 2.399 dự án với khoảng 71.000 ha đất dành cho BĐS. Cả nước hiện tồn kho 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng. Cơ cấu sản phẩm BĐS rất bất hợp lý, chủ yếu là hàng cao cấp và trung bình, còn nhà diện tích vừa và nhỏ, giá rẻ phù hợp với thu nhập bình quân của người dân hơn 1.300 USD/năm thì rất thiếu. Bên cạnh đó, các dự án BĐS chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và vốn góp của người mua nhà nên khi thị trường đóng băng, nợ xấu BĐS tăng cao.

Để phá băng cho thị trường BĐS, Chính phủ đang tập trung rà soát, đề nghị dừng triển khai một số dự án BĐS chưa phù hợp và yêu cầu chủ đầu tư phải cơ cấu lại sản phẩm để tăng các loại nhà ở xã hội phục vụ cho người thu nhập thấp. Đồng thời, mở rộng tín dụng cho nhà đầu tư và người mua nhà vay, đặc biệt ưu tiên người mua nhà ở xã hội. Ông Dũng cũng đề nghị miễn, giảm thuế VAT cho các hộ gia đình, cá nhân mua nhà để ở lần đầu; cho phép DN đầu tư nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN ở mức cao nhất; cho phép DN kinh doanh BĐS được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán, cho thuê nhà ở.

Nâng khống giá trị đất để vay

Tôi đề nghị NHNN cần tập trung phân tích, bóc tách cho được nợ xấu. Muốn xử lý đúng thì phải phân loại cho đúng, làm rõ các DN nợ xấu bao nhiêu, riêng các tập đoàn, tổng công ty nợ xấu bao nhiêu.

Ngoài ra, việc giải quyết nợ xấu còn một vấn đề cực kỳ phức tạp đó là người ta nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay. Ví dụ một khu đất có giá trị khoảng 200 tỉ đồng, bằng một hợp đồng mua bán họ đã đưa lên 800-1.000 tỉ đồng để được vay 600 tỉ đồng. Bây giờ bán thì chưa tới 100 tỉ đồng, như vậy mất đứt 500 tỉ đồng, đó mới gọi là nợ xấu. Đương nhiên cả người đi vay và người cho vay cũng đã bỏ túi hàng chục tỉ đồng khi thực hiện phi vụ. Cho nên phải bóc tách ra, như trước đây tôi đã từng phát biểu, có những nợ không phải là nợ xấu mà có những loại nợ quá xấu, không bao giờ có thể đòi được.

ĐB NGUYỄN BÁ THANH (Đà Nẵng)

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm