Đưa cá tra thành hàng công nghiệp

Quản lý chồng chéo giữa các ngành, địa phương, sự cạnh tranh vì lợi nhuận đã làm giảm chuỗi giá trị của cá tra Việt Nam. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, cá tra Việt Nam sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường. Tình hình càng khó khăn hơn khi các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia cũng đang triển khai nuôi cá tra và được sự ủng hộ từ Chính phủ.

Lợi thế cạnh tranh đang mất dần

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng cho rằng từ năm 2008 đến nay, chất lượng cá tra Việt Nam đi xuống do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do thị trường trồi sụt liên tục. Phải thừa nhận rằng thời gian qua VASEP, Bộ Công Thương chưa chú trọng xây dựng hình ảnh cá tra, ba sa trên thị trường quốc tế. Trong dự báo biến động rủi ro từ thị trường thì cơ quan nhà nước bao giờ cũng chậm hơn người nuôi và doanh nghiệp (DN). Chất lượng cá tra giảm là do không khống chế được giá, thị trường đi xuống, buộc DN phải giảm chất lượng để giải phóng hàng tồn kho, quay vòng vốn và trả lãi suất ngân hàng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Cần Thơ có điều kiện nuôi cá tra rất sớm, đỉnh cao là năm 2007, diện tích thả nuôi trên 1.500 ha. Ba năm trở lại đây diện tích ổn định ở mức khoảng 700 ha. Từ năm 2008 đến 2009, ngành nông nghiệp thành phố thực hiện giãn nuôi và giảm nuôi, giữ năng suất dưới 230 tấn/ha. Hệ lụy là sản xuất nông nghiệp của thành phố âm về tăng trưởng, do sản lượng cá tra giảm”.

Đưa cá tra thành hàng công nghiệp ảnh 1

Người nuôi cá luôn nằm ở “kèo dưới” nên dù có trúng mùa chưa chắc đã có lời. Ảnh: GIA TUỆ

Theo ông Quỳnh, rõ ràng là quan hệ giữa xuất khẩu-chế biến-người nuôi-nhà cung cấp vốn đang mất cân bằng. Giai đoạn 2000-2010, xu hướng phát triển nhà máy của vùng ĐBSCL tăng nhanh, trong khi số người nuôi giảm, diện tích giảm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, Trưởng Ban điều phối ủy ban cá nước ngọt -VASEP, hiện nay cá tra đang mất dần lợi thế cạnh tranh vì một số nước khu vực Đông Nam Á đã triển khai nuôi cá tra. Ông Minh cho rằng vấn đề hiện tại là cần kiểm soát vùng nuôi, có dự báo cung-cầu, giá sàn xuất khẩu. Đặt tiêu chí sản lượng thấp nhưng tăng cường kiểm soát chất lượng thì giá xuất sẽ tăng. Mà giá xuất tăng thì hàng rào kỹ thuật, thương mại của các nhà nhập khẩu sẽ giảm. Theo ông Minh, VASEP đã tập hợp 20 DN xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ và EU, hiện giá xuất đã tăng 10%-20% so với tháng 9-2010.

Tăng kiểm soát đầu vào, đầu ra

Năm 2010, việc tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn, do hầu hết các DN tự xây dựng cho mình một thị trường, thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loài cá khác rẻ hơn cá tra, do vậy cần khách quan thông tin về thị trường để định hướng cho người nuôi, DN. Cần hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Mặt khác, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, giống là vai trò của Nhà nước. Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng người nuôi, nhà máy chế biến cá, nhà máy chế biến thức ăn, nhà quản lý phải tham gia Hiệp hội Cá tra. Có như vậy mới xây dựng được hình ảnh con cá tra Việt Nam là ngành hàng chiến lược quốc gia. Nếu không đi chợ thì không biết chợ cần gì, khi Việt Nam đã là thành viên của WTO thì cần tận dụng thị trường ở sân chơi lớn này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định: “Năm 2011, để sản xuất, phát triển ngành hàng cá tra bền vững thì cần giữ ổn định diện tích, sản lượng như năm 2010. Tăng cường kiểm soát chất lượng đầu vào để đưa con cá tra dần đi vào ổn định, trở thành ngành hàng công nghiệp. Phát triển thị trường là vấn đề hàng đầu. Sẽ có cơ chế xử lý nhanh, kịp thời những vấn đề đặt ra từ thị trường với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, VASEP cùng các hiệp hội, địa phương”.

Đồng thời tiếp tục triển khai chương trình thay thế đàn giống bố mẹ, hướng đến cuối năm 2011 chuyển 100.000 con cá tra hậu bị cho các địa phương. Quý I-2011 sẽ có đợt kiểm tra về vay vốn đối với người nuôi; quý II-2011 sẽ ban hành tiêu chuẩn VietGAP cho con cá tra.

Nâng cao việc kiểm soát chất lượng

Hiện tại, DN đã nâng cao chất lượng, vì giá xuất đã tăng, còn các lô hàng gặp trục trặc kỹ thuật hiện chỉ là vấn đề kiểm soát chưa chặt. Đã đến lúc đặt vấn đề kiểm soát sản lượng cá tra để chủ động đàm phán về giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra sẽ tác động lớn đến sản xuất, xuất khẩu, nâng tầm ngành hàng cá tra, cần sớm ban hành nghị định và thành lập riêng Hiệp hội Cá tra vùng ĐBSCL với sự tham gia của các ngành liên quan, địa phương, DN và người nuôi.

Ông NGUYỄN HỮU DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP

Ba giải pháp phát triển cá tra

- Xem xét yếu tố cung cầu để duy trì sản lượng cá tra nguyên liệu từ 1,2 triệu tấn/năm trong vòng ba năm.

- Không cho phát triển ồ ạt.

- Xem xét cơ cấu lại các nhà máy chế biến để tránh sự đầu tư ồ ạt nhưng chạy không hết công suất (thời gian qua, các nhà máy chỉ chạy khoảng 50% công suất) gây lãng phí lớn.

Ông DƯƠNG VIỆT THẮNG, Phó Giám đốc SOUTHVINA

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm