Đưa các “sếp” đến trường

. Thưa anh, không hiểu xuất phát từ đâu dẫn đến ý tưởng kinh doanh lĩnh vực mở trường đào tạo giám đốc chuyên nghiệp, một mô hình rất mới ở Việt Nam?

+ Từ nhỏ tôi đã có khát vọng làm được một điều gì đó. Khi làm việc ở những tập đoàn nước ngoài, tư vấn quản trị cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi nghĩ đến “kinh doanh” giáo dục ở lĩnh vực quản trị.

Tôi không quan tâm đến việc học tập mô hình nào vì tôi cho rằng kinh doanh là nhằm giải quyết một vấn đề nào đó của xã hội thông qua một giải pháp cụ thể. Giải pháp phải phù hợp với nền tảng xã hội, do đó tôi không làm theo mô hình nào.

“Sếp không đi học là chuyện lạ”

. Lâu nay các trường đã có chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Cách làm của anh có gì khác?

+ Thế giới thường có hai hệ thống giáo dục phát triển song song: giáo dục hàn lâm và giáo dục chuyên nghiệp. Giáo dục hàn lâm thường bài bản, hết bậc này đến bậc kia: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... Giáo dục chuyên nghiệp tập trung giải quyết những vấn đề thực tế của xã hội, nó không đặt ra vấn đề bằng cấp. Nhưng ở nước ta, giáo dục phát triển hơi lệch pha, gần như không có giáo dục chuyên nghiệp.

Đưa các “sếp” đến trường ảnh 1

Giáo dục được ví như con chim có hai cánh. Muốn cất cánh, giáo dục phải có đủ cả hai. Tôi chọn đi theo hướng giáo dục chuyên nghiệp và nâng cao (PACE - Professional And Consulting Education), cái mà xã hội đang rất cần.

. Cứ coi giáo-dục-chuyên-nghiệp của anh là cái cánh thứ hai nhưng nó lại chỉ dành cho doanh nhân. Tại sao không đào tạo nhân viên?

+ Không phải là “không” mà là “chưa”. Tôi thích quan điểm “top to the bottom” của người Nhật khi họ chinh phục thế giới. Quốc gia đầu tiên họ chinh phục là Mỹ. Hỏi “Tại sao?” thì tất cả doanh nhân Nhật đều trả lời: “Nếu chúng tôi chiến thắng trên thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ thành công với phần còn lại của thế giới”. Doanh nhân là đối tượng “bén” nhất trong xã hội, nếu thành công thì với những đối tượng khác sẽ không khó chinh phục.

Còn một lý do quan trọng hơn, nếu đào tạo nhân viên thì chỉ có thể thay đổi được chính họ nhưng đào tạo được một ông sếp, chắc chắn sẽ góp phần thay đổi cả một xã hội sau lưng họ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình góp phần làm thay đổi hàng vạn ông sếp? Nó sẽ ảnh hưởng cả nền kinh tế của đất nước, đó là một giá trị thực sự. Bài toán doanh trí của đất nước mà tôi mong muốn góp phần bắt đầu từ đó.

. Đi đánh banh, đi nhậu tất nhiên... sướng hơn đi học chứ! Anh làm thế nào để đưa mấy ông sếp đến trường?

+ Câu hỏi của bạn đúng là đau đầu. Đưa một ông sếp đến trường đã khó, nói gì đến hàng ngàn, hàng vạn. Vài năm trước, nói về giáo dục người ta không tin tư nhân, họ thường cho rằng giáo dục tư nhân chỉ có lừa đảo. Ra đời trong bối cảnh ấy, PACE cũng nằm trong nhóm “lừa đảo” đó. Mặc dù chưa lừa ai bao giờ nhưng PACE đã phải rất khó khăn để vượt qua định kiến ấy.

Lâu nay, kết quả của sự học thường là cái bằng. Chúng tôi lại theo cách non-diploma education - giáo dục không bằng cấp. Cách triển khai đội ngũ giảng dạy không giống ai, đa số là giảng viên không ai biết, không tên tuổi, miễn là đáp ứng được một số yêu cầu: kiến thức quốc tế về lĩnh vực mình phụ trách, kỹ năng truyền đạt, tâm huyết cùng PACE chia sẻ cái mà doanh nghiệp đang cần... Sau sáu năm tham gia vào “thị trường” giáo dục, tư tưởng “sếp mà đi học là chuyện lạ” đã được thay thế “sếp không đi học mới là chuyện lạ”.

Triết lý giáo dục tôi vẫn hay chia sẻ với các doanh nhân là không nên dựa vào giáo dục 12/4 (ý nói 12 năm phổ thông và bốn năm đại học - PV) mà nên dựa vào giáo dục 24/7, tức là 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần.

Kinh doanh = kiếm tiền + phụng sự xã hội

. Nhưng nói thật, tôi đến mấy lớp quản trị doanh nghiệp gì gì đó, tôi... biết quá rồi, lại mang sách vở: nào phương thức kinh doanh, nào luật pháp với doanh nghiệp... - Những giáo điều có sẵn. Anh có gì hay?

+ Tất cả giáo trình chúng tôi đều nhập khẩu sau khi đã trả bản quyền cho nước ngoài. Tôi không chiều theo giáo trình do giảng viên đưa ra mà họ phải theo cái “sườn” chương trình do tôi soạn. Tôi chú trọng nội dung quản trị chuyên nghiệp của nước ngoài, đã được đúc kết là thành công, điều chỉnh để phù hợp với ở ta. Ví như ở ta, marketing chỉ được coi là ngành nhỏ, người phụ trách trong doanh nghiệp cũng chỉ là một nhân viên. Trong khi đó, marketing đúng ra là linh hồn của doanh nghiệp, kết nối tất cả các bộ phận tài chính, sản xuất, nhân sự, kỹ thuật để đưa đến thành công cho doanh nghiệp. Ở ta, khi tuyển nhân viên marketing, ta hay có thói quen là tuyển một sinh viên tốt nghiệp đại học về phòng làm luôn. Ở Nhật, muốn làm marketing phải qua năm bước. Họ phải xuống làm sản xuất trực tiếp - công nhân đấy trong sáu tháng để hiểu và yêu sản phẩm đó, sau đó chuyển sang bộ phận tài chính, rồi bán hàng..., cuối cùng mới về phòng marketing. Tại sao lại phải bán hàng? Anh phải hiểu sự vất vả của người bán hàng thì mới tiếp thị tốt cho họ.

. Xin lỗi vì tôi dùng từ “kinh doanh” để nói về giáo dục nhưng người ta vẫn nghĩ anh nói rằng tâm huyết với việc mang lại tri thức cho doanh nghiệp, thực chất cũng là để kiếm tiền thôi...

+ Ồ, không sao. “Kinh doanh” là từ rất cao quý chứ không đơn giản là “đi buôn kiếm lời”. Kinh doanh chỉ là vớ vẩn khi người ta hiểu không đúng và làm không đúng. Từ nhiều năm qua tôi vẫn thường chia sẻ với cộng đồng định nghĩa: “Kinh doanh là kiếm tiền và phụng sự xã hội”. Kinh doanh chính là dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình như một phương tiện để giải quyết các vấn đề của xã hội, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Và doanh nhân là những người nhìn thấy những vấn đề của xã hội, tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề đó, rồi biến các giải pháp này thành những sản phẩm, dịch vụ cụ thể cung cấp cho xã hội.

. Vậy theo anh, có ngành nghề nào chỉ kiếm tiền mà không phụng sự cái gì không?

+ Kinh doanh là vì lợi nhuận thì không ai phủ nhận điều này, vì nếu không thì doanh nghiệp sẽ trở thành một tổ chức từ thiện. Nhưng kiếm tiền bằng cách nào? Có ba loại kinh doanh: mang lại điều gì, gây ra cái gì hoặc có thể vừa “mang” vừa “gây”. Một công ty buôn lậu thì “mang” lại giá rẻ nhưng “gây” ra hậu quả cho cả nền công nghiệp. Một doanh ngiệp kinh doanh nước tương có 3MPCD quá hàm lượng cho phép thì kiếm tiền bằng cách “gây” chứ không mang lại điều gì.

. Nói như vậy thì PACE của anh chỉ “mang” mà không “gây”?

+ Có chứ. Giới doanh nhân biết PACE “mang” lại điều gì. PACE cũng biết mình đang “gây” ra cái gì, phong trào hiếu học cho doanh nhân chẳng hạn (Cười).

. Anh hay có những phát biểu ngược, như “thương trường không phải là chiến trường”, “không có chuyện cả hai cùng thắng”... Hình như anh muốn định nghĩa lại một số khái niệm?

+ Nếu thương trường là chiến trường thì rất nguy hiểm vì trong chiến trường luôn có kẻ thắng, người bại, còn trong kinh doanh thì không hẳn như vậy. Tôi thắng vì tôi làm giỏi hơn anh chứ không thắng bằng cách “giết” anh. Cũng không có chuyện cả hai cùng thắng vì không phải tôi thắng anh mà vì tôi thắng khách hàng của tôi...

Còn rất nhiều định nghĩa cần phải thay đổi cho phù hợp với tư duy của thời đại mới. Cái này không phải vấn đề câu chữ mà là triết lý, nhận thức. Nhận thức kiểu nào sẽ làm theo kiểu đó...

“Chơi là làm những gì mình thích”

. Thấy anh có bộ trang phục rất đặc biệt, thường mặc sơ mi màu đen. Đó là style của anh?

+ Chẳng biết có phải sở thích không nhưng về ăn mặc tôi khẳng định “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tính tôi đơn giản, không thích gò bó với complet, cà vạt. Tôi đến tiệm may đề nghị họ thiết kế cho bộ đồ đạt năm yêu cầu: có thể mặc đi làm, đi họp, dự hội nghị, đứng lớp, đi chơi. Và lưu ý hai điều kiện: không thắt cà vạt, không phải “đóng thùng”. Ông chủ tiệm may tròn mắt vì yêu cầu “5 trong 1” của tôi. Vẽ một hồi ra bộ trang phục như thế này (sơ mi, quần tây đen). Tôi mặc đi chơi, đi làm, đi dự Hội nghị APEC hay hội thảo các nước vẫn xài bộ này mà chưa bị ai chửi.

. Anh lúc nào cũng tính toán mọi thứ đâu đấy, lộ trình rõ ràng, cứ như cái máy, không vui chơi, giải trí, như thế thì mệt lắm?

+ Tôi không quá tiêu cực đến mức “cự” thú vui của người khác nhưng đừng bắt tôi “chơi” những thứ tôi không thích: cà phê lang thang, bi da, đánh gôn. Tôi còn nhiều việc để “chơi” mà! Với tôi “chơi là làm những gì mình thích - làm là chơi những gì mình không thích”. Tôi đang “chơi” nhiều hơn “làm” đấy chứ!

. Sở hữu một ngôi trường “độc quyền” đào tạo giám đốc, có thể duyệt anh vào danh sách tỷ phú được chưa?

+ Đối với tỷ phú, bạn không nên quan tâm họ có bao nhiêu tiền. Bạn nên quan tâm: Năm nay ông Sony làm ra sản phẩm gì mới, tháng sau ông Microsoft sẽ ra phần mềm nào? Với tôi, bạn nên hỏi sắp tới sẽ đưa ra mô hình quản trị và giải pháp mới nào cho giáo dục! Đừng quan tâm đến những gì tôi có, hãy nhìn vào những việc tôi làm.

. Xin cảm ơn anh!

Chào đời tại Nghệ An.

1994: Tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán.

1994: Tốt nghiệp

Đại học Luật TP.HCM.

1992: Chủ cơ sở kinh doanh nhựa Chợ Lớn.

1994-1998: Làm việc tại các tập đoàn kiểm toán quốc tế tại TP.HCM: DDT, PWC, KPMG.

2000: Thành lập Công ty Kiểm toán ABB Việt Nam.

2001: Sáng lập Trường đào tạo doanh nhân và giám đốc PACE tại TP.HCM.

THANH HẢI - KHẮC THUẬT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm