Gắn trách nhiệm xã hội với chiến lược kinh doanh

Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) đang hạn hẹp về nguồn lực, đặc biệt là tài chính, thì trách nhiệm xã hội (CSR) dễ bị xem là gánh nặng của chi phí. Chi phí thực hiện trách nhiệm xã hội cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, kinh doanh khiến lợi nhuận của DN bị thu hẹp trong thời gian ngắn hoặc dài. Vì vậy, trách nhiệm xã hội nên gắn liền với chiến lược kinh doanh của DN. Đó là nội dung chính được nhiều DN, chuyên gia phản ánh trong buổi hội thảo DN và xã hội do Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn phối hợp với Global Integration Business Consultants (GIBC) tổ chức sáng 6-4, tại TP.HCM.

Còn DN làm trách nhiệm xã hội giả tạo

Hiện nay, nhiều DN vẫn hiểu lầm làm từ thiện, tài trợ hoạt động xã hội là đã có trách nhiệm xã hội hoặc có DN lợi dụng trách nhiệm xã hội để đánh bóng thương hiệu. Theo đại diện của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, vẫn có rất nhiều DN đang làm trách nhiệm xã hội rất giả tạo. Đơn cử như gần đây có DN phát động chương trình mua sản phẩm của họ để góp phần ủng hộ trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, chi phí mà DN này bỏ ra để tổ chức chương trình còn cao gấp nhiều lần so với số tiền ủng hộ họ thu về.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC, cho biết hiện có luồng ý kiến cho rằng trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của chính phủ, DN đóng thuế là đã hoàn thành nghĩa vụ xã hội. Trách nhiệm xã hội gây khó khăn cho mục đích tối đa hóa lợi nhuận trong nền kinh tế tự do, hạn chế khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Các DN phải đối đầu với những khó khăn trong kinh doanh nên không đủ lực để tham gia hoạt động xã hội. Cho nên khi thực hiện trách nhiệm xã hội, những DN này chỉ đi theo hướng tiêu cực vì lợi ích của DN, vì lợi nhuận.

Gắn trách nhiệm xã hội với chiến lược kinh doanh ảnh 1

cấp sản phẩm chất lượng tốt phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên trong công ty là trách nhiệm xã hội của DN. Ảnh: HTD

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina Capital, chia sẻ: “Mỗi DN có cách nghĩ, cách thực hiện trách nhiệm xã hội khác nhau. Vina Capital hằng năm vẫn trích quỹ tài trợ việc mổ tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. Có người nói đó là dùng tiền đánh bóng thương hiệu nhưng chúng tôi làm điều đó xuất phát từ cái tâm đối với những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Điều quan trọng là DN sử dụng đồng tiền có ý nghĩa, có hiệu quả tốt cho xã hội”.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho rằng DN nào cũng muốn những việc mình làm cho xã hội được biết đến nên quảng cáo, PR cũng là điều tốt. Tuy nhiên, làm giả tạo, “đầu voi đuôi chuột” sớm muộn cũng đánh mất uy tín đối với người tiêu dùng.

Trách nhiệm xã hội là chiến lược kinh doanh

Cũng theo bà Thu Hồng, trong lúc kinh tế khó khăn thì trách nhiệm của DN với xã hội càng gặp khó, nhất là chi phí. Ví dụ: chi phí cho các hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý nước thải; chi phí tài trợ các chương trình từ thiện, hoạt động xã hội… Các nhà nhập khẩu hằng năm đều có đợt đánh giá trách nhiệm xã hội của DN Việt Nam, nếu đáp ứng yêu cầu, họ sẽ tiếp tục mua hàng. Vì vậy, phải coi trách nhiệm xã hội là chiến lược kinh doanh của DN. Trách nhiệm xã hội là sự đầu tư lâu dài, những chi phí nêu trên sẽ được bù đắp bởi những lợi ích mà trách nhiệm xã hội mang lại. Nhiều DN trước bỏ nhiều tiền vào từ thiện, tài trợ, quảng bá tên tuổi… giờ lại nợ nông dân, xả thải ra môi trường, phá sản khiến hàng ngàn công nhân mất việc. Đó là hệ quả của việc thực hiện trách nhiệm xã hội không trung thực, yếu kém về quản lý DN.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam, chia sẻ: “Trách nhiệm xã hội của DN chính là cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng và đảm bảo những quyền lợi tốt nhất cho nhân viên trong công ty. Trách nhiệm xã hội nằm trong chiến lược, đường lối kinh doanh của DN đó”.

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, trách nhiệm xã hội là một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh nhằm duy trì sự tăng trưởng bền vững của một DN. Trong thời điểm nhiều DN đổ nợ, phá sản như hiện nay thì những DN biết vượt qua khó khăn, duy trì được hoạt động kinh doanh và phát triển là đã có trách nhiệm xã hội. Vì khi đó, công nhân của họ có việc làm, người tiêu dùng được hưởng lợi ích và DN đủ khỏe để tham gia các hoạt động xã hội…

Trang bị CSR cho người tiêu dùng

Người Việt đang dần chú ý đến trách nhiệm xã hội của DN (CSR), đó là điều đáng mừng. Cụ thể, khi mua một sản phẩm, họ quan tâm xem sản phẩm có “sạch” và “xanh” không, trên nhãn sản phẩm có ghi không hủy hoại môi trường hay động vật không, có các biện pháp xử lý nước thải và chống ô nhiễm không… Và họ gây áp lực dữ dội đối với DN, đòi hỏi DN phải chịu trách nhiệm hơn nữa về mặt xã hội hoặc tẩy chay sản phẩm của DN đó. Khi đó, DN sẽ phải thay đổi trách nhiệm xã hội về nhiều mặt.

Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI,  Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm