Gạo Việt Nam: Giá rẻ vẫn khó bán

Ông Nguyễn Công Trị, nông dân ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết ông đã bán xong hết lúa trong vụ thu hoạch đông xuân nhưng rầu là năm nay giá lúa thấp nhất so với mọi năm, đồng nghĩa lợi nhuận thu về không đáng kể.

Giá thấp nhất thế giới

Theo ông Trị, giá lúa ướt IR50404 vụ này chỉ bán ở mức 4.000-4.050 đồng/kg, lúc Chính phủ mua tạm trữ, giá có nhích lên 4.200-4.300 đồng/kg nhưng đáng buồn khi chính vụ thu hoạch, phần lớn nông dân bán hết lúa rồi nên không được hưởng lợi. Giá loại lúa này những vụ trước ở mức 4.600-4.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá lúa năm nay.

“Các năm trước, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, thuê đất thì nông dân chúng tôi thu lãi được gần 1.800-2.000 đồng/kg lúa nhưng năm nay lợi nhuận thu về chỉ được 1.200-1.300 đồng/kg lúa. Nghe doanh nghiệp (DN) họ nói giá lúa gạo thấp là do Trung Quốc chuyển sang mua gạo cấp cao, số lượng ít hơn mọi năm. Ngoài ra, xuất khẩu thì không cạnh tranh lại Thái Lan, Pakistan. Họ nói mình nghe chứ biết sao” - ông Trị chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết đúng là chưa năm nào xuất khẩu gạo những tháng đầu năm lại bế tắc thị trường như thế này. Sức ép cạnh tranh từ các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ đã làm cho giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp nhất thế giới. Cụ thể loại gạo trắng thông dụng 5% tấm của Việt Nam hiện chỉ chào bán ở mức 360-365 USD/tấn thấp hơn 35-40USD/tấn so với gạo Thái Lan cùng loại (đang ở mức 395-405 USD/tấn). Giá gạo Ấn Độ, Pakistan cũng đều cao hơn Việt Nam 10-20 USD/tấn. Ở dòng gạo cấp thấp 25% tấm thì giá gạo Việt Nam cũng thấp nhất.

Ông Đôn giải thích nguyên nhân chính là Thái Lan xả hàng tồn kho. Họ đang tìm cách hạ giá thấp để cạnh tranh. Điều này khiến các nước Ấn Độ, Pakistan cũng giảm theo và hậu quả là giá gạo Việt Nam bị đẩy xuống thấp nhất. Nghịch lý đáng buồn là giá gạo thấp nhưng bán vẫn không ai mua. Tại thị trường lớn châu Phi, với cước phí vận tải thấp hơn và nhiều yếu tố xúc tiến thị trường cạnh tranh hơn, Thái Lan, Pakistan đang thay nhau độc chiếm thị trường này.

Thu hoạch lúa đông xuân ở Hậu Giang. Ảnh: GIA TUỆ

Lo tồn kho gạo dở

Ông Nguyễn Văn Đôn cảnh báo những năm trước đây Việt Nam trông chờ vào thị trường Trung Quốc, hợp đồng tập trung với Philippines, Indonesia… là đầu ra cho xuất khẩu gạo nước ta. Thế nhưng hiện nay sau khi cấp lại quota, thương nhân Trung Quốc lại chuyển sang mua gạo chất lượng cao, gạo 5% tấm nhưng phải là gạo hạt dài OM, Nàng hoa, Jasmine chứ không phải gạo trắng IR50404, gạo cấp thấp 15%-25% tấm. Hợp đồng họ ký với số lượng ít hơn mọi năm. Các thị trường lớn mặc dù ít nhiều đã có hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa có động thái nhận hàng.

Theo ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nghịch cảnh của ngành sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam thời điểm này và như các năm trước là lúc thị trường cần gạo chất lượng cao, gạo đặc sản thì Việt Nam lại thiếu để xuất khẩu. Nguyên nhân là sản lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân, loại gạo thông dụng IR50404 (loại gạo trắng 5% tấm) vẫn chiếm sản lượng nhiều, có vùng loại lúa này chiếm tới 50%-60% diện tích sản xuất. Đến các vụ mùa sau, loại gạo IR50404 chiếm diện tích sản xuất tới 80%-90% ĐBSCL.

Một chuyên gia ngành lúa gạo nói: “Thực trạng trên đã diễn ra nhiều năm, bộ, ngành nói đã khuyến cáo nông dân trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; ông DN thì đổ tại nông dân. Giống lúa IR50404 năng suất cao, dễ trồng, ngắn ngày, chi phí thấp, nông dân lời nhiều. Lúa đặc sản, chất lượng cao hiện nay năng suất không cao, dài ngày, chi phí cao, lợi nhuận thấp hơn. Và quan trọng, mấy ông thương lái, DN khi thu mua lúa chất lượng cao, đặc sản lại đánh đồng về giá. Họ mua với giá thấp, chỉ nhỉnh hơn lúa IR50404 vài trăm đồng/kg. Nông dân họ nói thẳng với tôi nếu DN đặt hàng lúa chất lượng cao, đảm bảo bao tiêu thì họ sẵn sàng trồng. Tuy nhiên, có mấy DN chấp nhận cam kết này, họ chỉ chờ nông dân thu hoạch rồi mua giá thấp”.

Đừng để rơi vào bẫy ép giá

Đứng trước mối lo gạo IR50404 sẽ tồn kho vì khó đầu ra, ông Nguyên Văn Đôn vẫn lạc quan cho rằng Trung Quốc chuẩn bị cấp quota nhập khẩu đợt 2 cho thương nhân nước này, lúc đó chắc chắn họ sẽ vẫn nhập loại gạo thông dụng với giá rẻ. Ngoài ra, dự báo Philippines, Malaysia, Indonesia sẽ phải nhập lượng lớn gạo trong năm nay vì lương thực trong nước không đủ cung cấp.

“Nếu lo bán không được, tiếp tục giảm giá thì Việt Nam sẽ sụp bẫy buộc bán giá rẻ. Sau một thời gian tạo áp lực không nhập khẩu, các thị trường trên sẽ chờ đợi đến khi gạo Việt Nam nôn nóng bán giá rẻ thì họ nhảy vào mua. Chưa kể các thị trường nhảy vào mua sẽ xảy ra tình trạng tranh giành thu mua, cạnh tranh bằng giá thấp thì nông dân lại là người chịu thiệt nhiều nhất. Vì thế, DN nên trữ kho tốt, không bán ra giá rẻ thì trong thời gian tới các thị trường này buộc phải hỏi mua” - ông Đôn phân tích.

Giá gạo Việt Nam sụt giảm, nông dân thiệt nhiều nhất. Đáng trách ở đây là vai trò rất mờ nhạt trong thời gian qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hai tổng công ty lương thực vẫn đứng vai trò một thương lái không lo xây dựng thương hiệu, chăm chăm lợi nhuận, không biết tìm kiếm thị trường, chỉ trông chờ vào các hợp đồng tập trung. DN xuất khẩu cần phải chú trọng liên kết với nông dân tiếp tục nhân rộng cánh đồng lớn, sản xuất những giống lúa chất lượng cao, khai thác đa dạng sản phẩm, tìm thị trường mới. Hãy nhìn Campuchia, với chính sách phát triển gạo đặc sản, chất lượng cao, giá gạo xuất khẩu của nước này còn cao hơn Việt Nam, số lượng xuất khẩu tăng mạnh từng năm.

GS VÕ TÒNG XUÂN

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm 2015 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 440 triệu USD, giảm 28% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2015 đạt 458,6 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất trong hai tháng đầu năm 2015 với 21% thị phần có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 42% về khối lượng và 46% về giá trị).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm