Gói ghém sắm tết

Hiện ở khắp các siêu thị, cửa hàng bán lẻ không khí mua sắm đã nhộn nhịp hơn ngày thường. Nhiều nhà bán lẻ cho biết sức mua tại thời điểm này tăng khoảng 20%, doanh thu trong tuần cuối tháng 1 tăng 30%-50%. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận kinh tế đang khó khăn, người tiêu dùng (NTD) có tiết kiệm hơn trong mua sắm.

Chỉ mua hàng thiết yếu

Ghi nhận thông tin đến ngày 3-2 (tức 23 tháng Chạp), nhiều tiểu thương vẫn than thở hàng bán khá chậm, khách chưa đông. “Tôi không dám làm nhiều củ kiệu ngâm chua, chỉ vài chục ký, giảm chừng một nửa so với năm ngoái, có khách quen đặt mới làm chứ không làm đại trà nữa” - chị Nguyễn Thị Thành, tiểu thương hàng chạp phô chợ Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ. Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt, tiểu thương chợ Gò Vấp, nói thông thường thời điểm này các năm đã nhận nhiều đặt hàng bánh chưng, củ kiệu nhưng giờ này khách vẫn chưa nhiều, “chỉ trưng bày một ít để người ta biết mình còn làm hàng bán, không thôi mất mối!”.

Chị Thanh Thủy (quận Thủ Đức) thì chia sẻ mọi năm hay ra chợ mua thịt, năm nay chị chờ thật cận tết rồi ra… siêu thị mua vì “nghe nói hai ngày trước tết siêu thị có chương trình giảm giá bán thịt. Nhà đông người nên tết thường phải kho nồi thịt cỡ 4,5 kg mới đủ. Giờ tôi thông báo cả nhà rồi, giảm bớt lại, kho chừng 2,3 kg thôi”. Tương tự, chị Trần Thị Kim Loan (quận 3) làm thợ may, bộc bạch thời buổi khó khăn này phải tiết kiệm mới đủ. Chị chỉ mua lai rai vài mặt hàng thực phẩm khô cần thiết, còn thực phẩm tươi sống thì chờ thật cận tết xem giá cả mới tính.

Cùng tâm lý trên, anh Phan Văn Diên (quận Tân Bình), làm công nhân xây dựng cho một công tư nhân, cho biết với mức lương tháng hơn 3 triệu đồng mà năm nay lại không có thưởng gì nên không dám chi xài. “Tôi tiết giảm tối đa luôn, trước mua bánh kẹo ngoại thì nay mua bánh kẹo nội. Quà biếu cho bà con cũng giảm lại nhiều” - anh kể.

Gói ghém sắm tết ảnh 1

Chỗ thân quen đã trở thành địa chỉ mua thực phẩm tết của nhiều gia đình vì giá rẻ, chất lượng bảo đảm. Trong ảnh: Chú Sáu (Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận) đang xếp thực phẩm tết do mình làm bày bán cho khách quen. Ảnh: QUANG HUY - TÚ UYÊN

Thích mua chỗ quen hoặc tự làm

Bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu mua sắm tết, hiện nhiều NTD hay rủ nhau mua chung ở chỗ thân quen, lấy thực phẩm quê hoặc tự chế biến.

“Xem báo, đài thấy quá nhiều vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, sợ quá. Giờ có nhiều người như tôi, mua thức ăn tết bằng cách rủ nhau mua chung ở chỗ thân quen hoặc mua đồ ở quê gửi lên hay tự chế biến, vừa an toàn, lại tiết kiệm” - chị Anh Thơ ở đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) chia sẻ.

Chị kể năm nào cũng mua bánh chưng, mắm ruốc, củ kiệu ăn trong mấy ngày tết ở nhà chú Sáu bán bún bò Huế lâu năm ở đầu ngõ. Không chỉ nhà chị, các nhà khác trong ngõ đều mua đồ ở đây, lý do là “tận mắt thấy bác ấy làm rất sạch, ngon và an toàn nên ai cũng an tâm”.

Nghe vậy, chúng tôi liền ghé quán chú Sáu và được chia sẻ: “Những nguyên liệu làm kiệu, dưa chua hoặc thành phẩm như mắm, mứt tết tôi lấy nguồn từ nhà người thân từ ngoài Huế gửi vào. Họ làm thủ công, sử dụng nguyên liệu tự nuôi trồng, đánh bắt được, không hề tẩm ướp bất cứ loại hóa chất nào”.

Tết nào cũng vậy, cứ đến thời điểm này anh Ong Quang Phúc (Trần Quốc Toản, quận 3) lại chuẩn bị nấu bánh chưng biếu cho người thân, họ hàng, số ít thì bán cho vài người họ đặt nấu. Anh vui vẻ nói: “Tết này nấu khoảng 100 chiếc. Tính ra nguyên liệu lá dong, gạo nếp, đậu xanh, gia vị tốn 50.000-60.000 đồng/chiếc, bán ra cho người quen cũng chỉ giá đó à, không tính lãi lời gì hết!”.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thùy Dương (huyện Hóc Môn) hồ hởi kể: “Tôi cũng mới mua chả giò, chả lụa, bún gạo, miến dong của một chị cùng cơ quan để chuẩn bị cho ba bữa tết. Hàng này được gửi từ vùng quê ngoài Bắc vào nên nhiều người bàn nhau cùng mua để giảm phí vận chuyển, giá có nới hơn so với hàng ở ngoài nhưng hương vị rất ngon, đậm chất Bắc”.

Trong khi đó, gia đình chị Trần Bảo Anh (quận Tân Phú) cho hay nhà chị tự mua thịt heo về ngâm nước mắm, mua cà rốt, củ cải, su hào, đu đủ. Về phơi khô rồi làm dưa món, mất thời gian tí nhưng vệ sinh hơn. “Chứ ở ngoài họ làm trắng, chua bằng chất gì đó, ăn vào nguy hiểm lắm!” - chị nhấn mạnh.

Mất “giai đoạn vàng” mua sắm

Bà Mai Thị Tuyết Hoa, Giám đốc nghiên cứu NTD của Công ty Nielsen, nhận định cuối năm thường là thời điểm vàng để NTD chi tiêu mua sắm. Theo nghiên cứu năm 2011 của Nielsen, 82% NTD cho rằng “đi mua sắm” trong dịp tết là hoạt động được ưu tiên hàng đầu, hơn 50% cho rằng họ bắt đầu mua sắm tết trong vòng một tháng trước tết. Tuy nhiên, tết 2013 sức mua không tốt bằng năm ngoái. “Nguyên nhân là NTD đã biết không có lương tháng 13, hay thưởng tết thấp, hoặc là vẫn chưa nghe thông báo gì từ doanh nghiệp nên có tâm lý thắt lưng buộc bụng” - bà phân tích.

Cùng nhận định trên, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường TNS, khẳng định: Thị trường tết năm nay sẽ không là giai đoạn vàng cho tiêu dùng như những năm trước.

Thắt chặt chi tiêu trong năm 2013

Chi tiêu trong năm 2013 sẽ giảm. NTD Việt Nam sẽ chọn cách tiết kiệm nếu họ muốn duy trì cùng mức sống như hiện nay và điều này ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng tiêu dùng.

Trong khi đó, xu hướng mua sắm ở siêu thị sẽ phát triển vì NTD muốn tìm kiếm sự yên tâm về chất lượng sản phẩm cũng như sự bình ổn về giá cả. Hiện NTD Việt Nam dẫn đầu thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mức độ quan tâm đến các chương trình khuyến mãi.

Theo Công ty TNS Vietnam và Công ty Neilsen

TÚ UYÊN - QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm