Hàng giả tràn vào biên giới

Cuối năm, hàng tiêu dùng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ nhập vào VN với số lượng lớn. Cơ quan hải quan gặp khó vì thiếu thông tin, thiếu hỗ trợ để xác định hàng giả từ phía DN. Đó là nội dung của hội thảo về chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại TP.HCM do Tổng cục Hải quan và Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN tổ chức ngày 5-12.

Biến tướng tạm nhập tái xuất

Ông Trần Việt Hưng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Cục Điều tra chống buôn lậu), cho biết hình thức làm giả, nhái sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Sản phẩm chủ yếu được làm giả từ nước ngoài như Trung Quốc, Hong Kong và cả Singapore rồi nhập khẩu vào nước ta. Mới đây, đội đã xử lý vụ làm rượu giả bên cửa khẩu của Nga sau đó dẫn độ về VN. Bọn nhập hàng giả thường không khai báo với hải quan. Chúng còn xé lẻ hàng để tuồn qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn... Trong đó, 90% hàng giả xâm nhập vào nước ta là từ Trung Quốc. Đặc biệt, cuối năm lượng nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng cao nên hàng giả sẽ dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để tràn vào.

Hàng giả tràn vào biên giới ảnh 1

Mỹ phẩm là một trong những mặt hàng thường bị làm giả nhiều nhất. Ảnh minh họa: HTD

Ông Trần Việt Hưng cho biết thêm, hiện nay hàng giả còn biến tướng dưới dạng hàng tạm nhập, tái xuất. Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài nhập hàng từ Trung Quốc vào VN, công nhân bóc nhãn Trung Quốc dán nhãn VN vào rồi xuất khẩu sang nước khác để hưởng ưu đãi thuế. Với những vụ này, hải quan phải nhờ đến nguồn tin cung cấp, kỹ năng tình báo nghiệp vụ mới có thể phát hiện được.

Chủ nhãn hiệu bị nhái thường im lặng

Ông Trần Việt Hưng cho biết hải quan khi phát hiện giữ lô hàng nghi ngờ là hàng giả, chỉ có liên hệ với DN chủ nhãn hiệu bị nhái đến trực tiếp xác định xem có phải là hàng giả không thì mới xử lý được. Có trường hợp phải chụp ảnh lại gửi email cho DN để kiểm tra giám định từ xa. Cán bộ hải quan không thể xác định được vì đa số là hàng nhái những nhãn hiệu nước ngoài, giống như đúc nên chỉ có chủ của nhãn hiệu đó mới phát hiện chính xác được.

Ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, cho biết việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng nhái rất khó khăn vì thiếu thông tin cung cấp từ phía DN bị nhái. DN vẫn có tâm lý ngại tiếp xúc với các vụ việc như thế này. Nhiều DN còn hỏi cơ quan hải quan xem vụ đó bắt giữ nhiều không, nếu ít không đáng kể thì khỏi đến xác nhận. Có trường hợp bắt giữ với số lượng lớn, DN vẫn lo ngại thông tin này ảnh hưởng đến thị phần sản phẩm nên cũng không đến để hỗ trợ hải quan xác nhận vì vậy khó xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Phi Hùng cho biết việc ký biên bản ghi nhớ giữa Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan với Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại VN sẽ giúp tăng hiệu quả trong công tác chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong dịp cuối năm này.

Năm 2011, hàng giả tăng gấp đôi

Trong năm 2011, số lượng các vụ xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái nhập lậu tăng gấp đôi so với năm 2010. Cụ thể, trên 14.000 chai rượu giả nhãn hiệu Stolichnaya (Nga); 95.000 bao thuốc lá giả nhãn hiệu Vinataba, 555… Dược phẩm có gần 3.000 viên Viaraga, trên 14.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Trên 2.000 hộp dầu nhớt giá các loại như Castrol, Honda.

Đến tháng 12-2011, cơ quan hải quan đã nhận và xử lý 80 đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu cho khoảng 230 nhãn hiệu các loại.

Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm