Hàng quá “đát” - Vì sao vẫn có đất sống?

Đủ loại

Máy tính giả bị phát hiện trên thị trường. Ảnh: Đ.TRÍ
Máy tính giả bị phát hiện trên thị trường. Ảnh: Đ.TRÍ

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã triệt phá hàng loạt vụ kinh doanh hàng hóa hết “đát” với số lượng ngày càng lớn và ở nhiều lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất phụ gia…

Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM qua kiểm tra 6 vụ, đã phát hiện gần 14.000 các loại mỹ phẩm dùng cho da hiệu Bon, Yuon, Eden do Hàn Quốc sản xuất và trên 2.000 kg, lít hương liệu thực phẩm, phụ gia ngành nhựa, chất tẩy rửa cơ bản… do Hàn Quốc, Trung Quốc sản xuất hết hạn từ 2001 - 2008.

Đáng lưu ý là đa số vụ việc bị phát hiện đang trên đường vận chuyển hoặc thuê mặt bằng để chứa hàng hết “đát” và khi đổ bể, chủ hàng thường “bỏ của chạy lấy người”. Chỉ những đơn vị chứa hàng hết “đát” tại kho của công ty mình viện lý do hàng mua về đã lâu nhưng ế ẩm, chờ thanh lý…

Kinh nghiệm cho thấy, từ nay đến cuối năm là thời điểm hàng quá “đát” bành trướng, xâm nhập ào ạt vào cả các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Trong các đợt ra quân dịp cận tết trước đây, lực lượng QLTT đã phát hiện hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại kinh doanh hàng quá “đát” công khai hoặc núp bóng dưới dạng khuyến mãi, quà tặng…

“Nguyên nhân dẫn đến hàng hết “đát” vẫn có “đất sống” là do người tiêu dùng chưa có thói quen để ý hạn sử dụng, đặc biệt là khi mua ở các trung tâm mua sắm lớn. Trong khi đó, hàng hết “đát” luôn được làm nhòe, đóng chồng hạn sử dụng nhằm qua mặt người tiêu dùng”, vị cán bộ này nhận xét.

Xử lý kiên quyết, triệt để

Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM Nguyễn Thế Thông nhận định, hàng quá “đát” trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp theo chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng QLTT đã thường xuyên ra quân chốt chặn, kiểm tra hàng quá “đát” từ lúc đang vận chuyển trên đường vào đến cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại.

Tuy vậy, việc phát hiện hàng quá “đát” ở các điểm kinh doanh thường mang tính chất nhỏ lẻ. Vì hàng quá “đát” chủ yếu được tập kết ở các kho thuê mướn, sau đó mới được xé nhỏ tuồn ra các điểm phân phối. Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cao, QLTT đã bố trí lực lượng chốt chặn ở các cửa ngõ ra vào thành phố để mai phục những chuyến hàng quá “đát” chở vào tập kết tại các kho trong nội thành.

“Đây là kế hoạch mất khá nhiều thời gian, công sức để điều nghiên. Chúng tôi sẽ làm quyết liệt, đến nơi đến chốn từng vụ việc nhằm hạn chế tối đa hàng quá “đát” bày bán trên thị trường”, Chi cục trưởng QLTT TP Nguyễn Thế Thông khẳng định.

Dù vậy, ông Nguyễn Thế Thông cũng cho hay, hạn chế hiện nay đối với lực lượng QLTT là đối tượng kinh doanh hàng quá “đát” thường thuê kho bãi của doanh nghiệp Nhà nước hoặc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất để chứa hàng.

Đối tượng kinh doanh hàng quá “đát” lại thường thuê chung nhau một nơi để chứa nhiều chủng loại hàng, do đó khi lực lượng kiểm tra chủ mặt hàng này phải có đủ mặt các chủ hàng khác, mà việc này không dễ thực hiện. Chỉ khi nắm chắc 100% trong kho có chứa hàng quá “đát”, lực lượng QLTT mới đột xuất kiểm tra dù không có mặt các chủ hàng.

Theo Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lý cạnh tranh Vũ Thị Bạch Nga, việc kinh doanh hàng quá “đát”, dù dưới hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật. Điều này được thể hiện rõ trong Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi kinh doanh hàng quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, để ngăn chặn, xử lý hiệu quả hành vi này, đòi hỏi lực lượng QLTT phải phối hợp đồng bộ với các ngành hữu quan.

Mặt khác, người tiêu dùng cũng nên cảnh giác khi mua hàng hóa phải lưu ý đến nhãn mác, đặc biệt hạn sử dụng. Nếu phát hiện khả nghi, cần báo ngay cho lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT địa bàn.

Theo Lạc Phong (SGGP) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm