Hết hàng xuất khẩu khi giá tăng cao

Ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu VN, thừa nhận giá USD tăng cao như hiện nay mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho các DN xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là khi giá bán và tỉ giá USD tăng thì các DN xuất khẩu gạo, cao su, điều, tiêu, cà phê... lại hết hàng. Chưa kể việc giá USD tăng lại liên lụy đến một số DN khi trước đó đã lỡ ký hợp đồng giao xa với giá thấp.

Điệp khúc hết hàng

“Có DN trước đây ký bán giao xa tiêu đen với giá 2.700-3.000 USD/tấn tưởng là lời nhưng nay giá xuất lên tới 4.500 USD/tấn cộng với việc tỉ giá USD tăng thì họ đang lỗ nặng vì giá trong nước lên quá cao” - ông Tụng cho hay. Với giá xuất 4.500 USD/tấn tiêu đen, 6.000 USD/tấn tiêu trắng, nếu quy đổi thì hiện giá thu mua trong nước lên tới 80.000 đồng/kg trong khi trước đó xấp xỉ 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều (Vinacas), cho biết hiện giá điều xuất khẩu lên tới 7.000 USD/tấn. Với tỉ giá USD như hiện tại thì xuất khẩu một tấn điều, DN được lợi 150-200 USD so với trước. Năm nay, DN đã hạn chế ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro nhưng lại gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu ở thời điểm xuất khẩu cuối năm đang thuận lợi. Ước tính hiện có khoảng 60%-70% DN tạm đủ nguyên liệu sản xuất, số còn lại (chủ yếu là DN nhỏ) phải dừng sản xuất vì không đủ nguyên liệu.

Hết hàng xuất khẩu khi giá tăng cao ảnh 1

Chuẩn bị hạt tiêu để xuất khẩu. Ảnh minh họa: Tam Anh

Hết hàng, thiếu nguyên liệu cũng là tình trạng chung của nhiều DN thủy sản. Mới đây, tại hội nghị xuất khẩu cá tra tại TP.HCM, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN), cho biết gần đây trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, giá bán cao thì lượng cá tra dự trữ ở kho lạnh của DN trong và ngoài nước đã sắp cạn. Theo ông Minh, mặt hàng cá tra từ năm này qua năm khác vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn “giá tăng khi hàng đã hết”. Để xảy ra điều đáng tiếc này là do mặt hàng này đang thiếu một “nhạc trưởng” đích thực nhằm điều tiết nuôi trồng trong nước phù hợp với xuất khẩu.

Dự báo chưa tốt

Có thể nói xuất khẩu nông sản nước ta đang đứng trước một nghịch lý là DN thi nhau bán ào ạt vào đầu vụ với giá thấp, đến khi giá thế giới tăng cao lại hết hàng. Ông Trần Đức Tụng cho hay để xảy ra tình trạng trên là do sự yếu kém của bộ phận dự báo thị trường của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng. Lẽ ra vào đầu vụ, các cơ quan này phải có thông tin đầy đủ về thị trường, giá cả cho DN, người sản xuất nắm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, DN, người sản xuất vẫn phải “tự bơi”. Thậm chí có lúc thị trường biến động, dù chưa có thông tin đầy đủ, chính xác nhưng cơ quan quản lý vẫn hô hào DN đẩy nhanh xuất khẩu.

Ở một khía cạnh khác, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho rằng chiến lược phát triển kinh tế chung của đất nước đang có vấn đề. VN có nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế xuất khẩu ra thị trường thế giới nhưng người dân, DN phải tự tìm thị trường, tìm nguồn vốn mà chưa có sự hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước. Theo ông Sơn, nước ta có rất nhiều trung tâm, công ty nghiên cứu thị trường nhưng với mặt hàng nông sản thì chưa có một trung tâm nào có độ tin cậy cao. Hiện Ipsard đã có những phương án đề xuất về dự báo thị trường nhưng để vận hành những chính sách này vào thực tế còn phụ thuộc vào thẩm quyền của hai bộ Nông nghiệp, Công thương.

Giám đốc một DN thủy sản cho hay trong nhiều năm nữa, nông lâm thủy sản vẫn là mũi nhọn của xuất khẩu VN nhưng đội ngũ phân tích, dự báo thị trường mặt hàng này còn kém. Vì vậy, muốn xuất khẩu giá cao, hàng bán chạy, không còn cách nào khác là nhà nước, DN cần phải đầu tư bài bản vào khâu dự báo thị trường.

Q.TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm