Khi ngân hàng “đổ” vốn vào chứng khoán

Tại Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Pháp - Việt lần thứ 7 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập WTO” đang diễn ra tại Đà Nẵng ngày 26-27/2/2008, các chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước đã công bố một nghiên cứu thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự đề cập đến những rủi ro có thể dẫn đến khủng hoảng tiền tệ - ngân hàng tại Việt Nam, trong đó có sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán.

Hiện tại ở Việt Nam, số liệu thống kê chính xác về tỷ lệ cho vay và đầu tư so với tổng dư nợ ngân hàng và tổng vốn hoá thị trường chưa được xác định đầy đủ. Theo Ngân hàng Nhà nước, cho vay đầu tư chứng khoán chiếm khoảng 20 nghìn tỷ VND, khoảng 2,6% tổng dư nợ và 7,5% tổng giá trị thị trường của 22/52 các công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán.

Và đây mới chỉ là số liệu được xác định trên thị trường niêm yết chính thức và hồ sơ vay vốn nhằm mục đích kinh doanh chứng khoán mà chưa bao gồm các khoản vay để đầu tư chứng khoán trên cả thị trường chính thức và OTC được bao bọc dưới các mục đích vay khác.

Hầu hết các các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần đều tham gia cung cấp cho vay đầu tư chứng khoán với tỷ lệ giao động từ 30 - 70% giá trị của các chứng khoán niêm yết và từ 30- 60% giá trị các chứng khoán giao dịch trên OTC.

Có thể nhận thấy rằng luồng vốn dịch chuyển từ khu vực ngân hàng sang thị trường chứng khoán Việt Nam làm nảy sinh rủi ro của từng ngân hàng đối với mức cho vay đầu tư chứng khoán tính theo tỷ lệ % so với tổng giá trị các khoản vay của ngân hàng; và rủi ro ảnh hưởng có tính lan truyền thể hiện qua tỷ lệ vốn vay ngân hàng tính theo tỷ lệ % so với tổng vốn hoá thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng nhóm nghiên cứu đặt vấn đề: điều gì sẽ xảy ra khi mà tốc độ phát triển quá nóng bị trượt dốc liên tục?

Theo bà, câu trả lời ở đây là 2 loại rủi ro trên chắc chắn sẽ phát huy ảnh hưởng đối với khu vực tài chính. Với mức lãi suất tương đối ổn định, các nhà đầu tư sẽ vay vốn của ngân hàng để kinh doanh chứng khoán. Và trong trường hợp chứng khoán liên tục giảm sút như hiện nay thì sẽ có hai tác động xảy ra đối với các khoản vay của ngân hàng.

Thứ nhất, nếu giá giảm xuống 30% thì các khoản vay ở cận dưới trong giới hạn cho phép của ngân hàng sẽ bị mất trắng. Người đi vay, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân sẽ lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán, phá sản hoặc “kẹt quỹ”, và khoản vay của ngân hàng bỗng chốc trở thành khoản nợ xấu.

Thứ hai, khi giá trị của các chứng khoán làm tài sản thế chấp giảm mạnh sẽ tạo ra ảnh hưởng kép đối với chất lượng hoạt động của ngân hàng, làm cho gia tăng tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ thâm hụt vốn tự có. Nếu sự kiện này xảy ra một cách đồng loạt thì tình hình tài chính của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khó có thể trụ vững nếu như tỷ lệ nợ xấu bằng hoặc cao hơn 20%.

Ngoài ra, nếu ngân hàng sử dụng một phần tài sản trên bảng cân đối của mình để đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán và đồng thời lại cho vay đầu tư chứng khoán thì rủi ro càng tăng lên gấp bội khi tính thanh khoản của thị trường giảm sút và hệ thống quản trị rủi ro của ngân hàng phần lớn còn chưa đủ mạnh.

Như vậy là sự yếu kém của khu vực ngân hàng sẽ tất yếu phát sinh khi có sự giảm sút liên tục của chỉ số chứng khoán. Sự yếu kém đột ngột của một tổ chức tài chính có thể gây ra hiện tượng đôminô tại các bộ phận khác của hệ thống trên cơ sở quan hệ nợ nần. Do đó, khủng hoảng tại một ngân hàng có thể dẫn đến việc rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng khác và gây ra sự bất ổn trong khu vực tài chính.

Con đường thứ hai được nhóm chuyên gia chỉ ra là thông qua việc rút vốn ồ ạt của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự phát triển của thị trường chứng khoán quá nóng trong thời gian gần đây đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức). Nhà đầu tư Việt Nam thường rất quan tâm đến động thái của các nhà đầu tư nước ngoài, lấy đó là một trong các căn cứ tham khảo để ra quyết định đầu tư.

Mặt khác, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài đang gia tăng nhanh tại Việt Nam đã và đang trở thành một trong những lực tác động quan trọng đến thị trường. Từ thực tế đó, nhóm chuyên gia rút ra nhận định rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hoàn toàn bị phụ thuộc vào luồng vốn tư nhân nước ngoài, nhưng những luồng vốn này đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động trên thị trường.

Giải thích được bà Thanh đưa ra là những dòng vốn đầu tư tư nhân nước ngoài mặc dù không phải mang tính chất đầu cơ nhưng vẫn có thể ồ ạt rút ra nếu như các nhà đầu tư cảm thấy bất an. Theo nhóm chuyên gia, ảnh hưởng trên sẽ được hạn chế hoặc được khắc phục, nếu Chính phủ áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt và chính sách kiểm soát luồng vốn đầu tư nước ngoài chặt chẽ (tự do hoá tài khoản vốn một cách thận trọng).

Trên đây chỉ là những dự báo của nhóm chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng Nhà nước, song việc dự báo các kịch bản bất ổn của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập là rất cần thiết để có được những cảnh báo sớm trong quá trình xây dựng các chính sách quản lý vĩ mô.

Theo Thùy Trang ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm