Không giám sát thì 'thông tư đầy túi, việc vẫn không trôi'

Sáng 16-10, tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc, kiểm tra các bộ, ngành trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD)...

Bốn bộ được kiểm tra sáng nay gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh năm 2018 đã đi qua 4/5 chặng đường, song "còn nhiều cái đã hứa nhưng không làm được”. Yêu cầu của Thủ tướng là phải cắt giảm 50% ĐKKD và 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng hiện mới chỉ cắt giảm được 1.517/6.191 ĐKKD và 1.700/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Riêng về việc cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay có bảy bộ vượt chỉ tiêu gồm các bộ Công Thương, Xây dựng, TN&MT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, VH-TT&DL.

Riêng Bộ TT&TT mới cắt được 26/385 ĐKKD (mới đạt 13%). Bộ GTVT mới cắt giảm được 109/570 ĐKKD (19,12%), Bộ Tư pháp cắt giảm 17/94 điều kiện kinh doanh (17,45%).

“Vẫn còn đến 2.277 ĐKKD đã lên phương án chưa cắt giảm được, thuộc trách nhiệm của các Bộ Tài chính, TT&TT, GTVT, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tư pháp” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung bày tỏ, cả xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào những cải cách của Chính phủ. “Họ vừa kỳ vọng nhưng cũng rất nghi ngờ không biết có làm thật hay không? Cũng có dư luận nói Chính phủ, các bộ bị bệnh thành tích, tuyên bố thế nhưng chưa thay đổi được. Đó là lo lắng theo tôi cũng hợp lý. Chúng ta phải chứng minh được chúng ta làm thực chất” - ông Cung nói.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung

Ông Cung sau đó phân tích những điểm mà doanh nghiệp nghi ngờ. Cụ thể, ban đầu ta đặt mục tiêu cắt bỏ ít nhất 50% số ĐKKD. Nếu cắt bỏ tức là tác động ngay, không phải làm gì cả. Sau đó, Nghị quyết 01 đầu năm lời văn nhẹ đi: cắt bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa. Cái nào là cắt, cái nào là đơn giản hóa? Trong 50% thì có thể chỉ 10% cắt bỏ, 40% đơn giản hóa thì tác động ngay chỉ là 10%.

“Đơn giản hóa lại phụ thuộc vào quá trình thực hiện ở bên dưới. Có thể không thay đổi gì về cách thức triển khai thực hiện cả, như thế thì doanh nghiệp không được hưởng lợi cải cách từ đơn giản hóa” - vẫn lời ông Cung.

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng trong số những ĐKKD cắt giảm có một bộ phận lâu nay là hình thức, do vậy không có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp. “Tất nhiên, có nhiều cái cần đánh giá cao. Ví dụ Bộ Công Thương có nghị định về gas và xuất nhập khẩu gạo, những cái đó là bỏ thực chất, tác động đến cộng đồng doanh nghiệp một cách trực tiếp, nay ký là ngày mai thay đổi liền” - ông Cung dẫn chứng.

TS Nguyễn Đình Cung cũng đánh giá, thời gian qua, các bộ trưởng đã thực sự quan tâm đến cải cách ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành cũng như những cải cách khác. Tuy nhiên, ông Cung cho rằng “chưa đạt được mục tiêu” vì phần sửa đổi tương đối nhiều, phần bãi bỏ ít hơn nên tác động chưa đạt được như kỳ vọng.

“Chính phủ rất quyết liệt nhưng quá trình cải cách là quá trình liên tục và thường xuyên” - ông Cung nói và đề nghị Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác, sau khi các nghị định ban hành cần có đánh giá thật đầy đủ về mức độ cải cách. Cái gì là thực chất, cái gì là hình thức, so sánh để có câu trả lời cụ thể cho công luận về mức độ thay đổi thực tế thế nào, đặt nền tảng cho những cải cách tiếp theo.

“Cải cách trên này nếu có tác dụng thì phải chuyển tải được về các tỉnh, các sở. Lâu nay chúng ta ít nói với chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, tới đây phải đưa họ vào cuộc nhiều hơn vì có những tỉnh làm tốt, nhiều tỉnh chưa tốt. Thông điệp cải cách không chỉ dừng lại ở các Bộ ở Trung ương mà phải chuyển tải xuống được các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, vì chúng tôi đi khảo sát thì nhiều thứ họ thực sự cố tình gây khó cho doanh nghiệp” - ông Cung nói.

Còn Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Công Tuấn nhìn nhận chế tài đang nghẽn nên tính hiệu lực của chính sách đang hạn chế. Cắt giảm ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chỉ là giải pháp trước mắt. Về dài hạn, quan trọng hơn là thực hiện Chính phủ điện tử.

Đặt vấn đề nên chăng các bộ, ngành có bộ phận rà soát, đôn đốc các kết quả triển khai, Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Đình Vũ cho rằng nếu không kiểm tra giám sát thì “nghị quyết, nghị định đầy túi áo, thông tư, thông cáo đầy túi quần nhưng việc vẫn không trôi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm