Không ngại sức ép cạnh tranh từ hiệp định thương mại Việt Nam – Hàn Quốc

Theo VCCI, việc kí kết định VKFTA giúp nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được dỡ bỏ thuế quan khi vào thị trường này. Cùng với đó, Việt Nam sẽ có cơ hội nhập khẩu hàng hóa giá rẻ hơn, đặc biệt là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày, dép, điện tử, giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, VKFTA cũng đem lại những thách thức cho Việt Nam trong vấn đề cạnh tranh về hàng hóa đối với các DN sản xuất nội địa. Dù vậy, theo VCCI sự cạnh tranh hàng hóa không quá đáng lo ngại do cơ cấu sản phẩm giữa hai bên là tương đối bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh trực tiếp; nhiều sản phẩm mở cửa mạnh cũng là những sản phẩm lâu nay bảo hộ bằng thuế quan nhưng không hiệu quả, việc mở cửa có thể là sức ép cạnh tranh tốt cho các mặt hàng nội địa.

VCCI cũng cho rằng, Hàn Quốc là một đối tác truyền thống và cũng là một đối tác phát triển, việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với nước này một phần giúp Việt Nam đa dạng hơn đối tác, làm quen dần với kinh doanh và cạnh tranh với các đối tác lớn phát triển. Quan hệ thương mại Việt Nam- Hàn Quốc có tính bổ sung lẫn nhau. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 500 triệu USD lên hơn 26 tỉ USD vào năm 2014. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, năm 2014 đứng thứ 3 trong số 10 đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2014. Riêng về đầu tư, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 7,32 tỉ USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm