Không thể “thắt lưng buộc bụng” để đóng thuế

Nâng khởi điểm chịu thuế lên 6 - 8 triệu đồng

Theo quy định hiện hành, cá nhân là lao động thuộc diện quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp (DN) có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng (trên 60 triệu đồng/năm) phải chịu thuế TNCN 10% và chiếu theo biểu thuế lũy tiến từng phần, mức thuế suất được điều chỉnh tương ứng với từng mức thu nhập.

Theo dự luật, cá nhân có thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng phải chịu thuế 5%. Điều này có nghĩa là người nộp thuế sẽ phải đóng thuế ngay những đồng thu nhập đầu tiên. Người dân TP cho rằng mức khởi điểm chịu thuế này là quá thấp.

Ở các TP lớn hiện nay, thu nhập 5 triệu đồng/tháng không đủ chi cho các khoản ăn, ở, chăm sóc sức khỏe, học hành của con cái và các sinh hoạt thường nhật khác. Trong khi đó, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đều tăng. Thuế không thể đánh vào phần thu nhập cơ bản nhất bảo đảm cuộc sống với những hạn mức tối thiểu.

Trên cơ sở này, nhiều ý kiến của người dân TP đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế lên cao hơn: 6 - 8 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng để phù hợp với mức sống của năm 2009 - thời điểm dự kiến Luật Thuế TNCN có hiệu lực.

Thuế suất chuyển nhượng vốn quá cao

Các mức thuế suất đặt ra trong dự luật cũng tạo nên những phản ứng trái chiều từ phía người dân. Nhiều ý kiến cho rằng mức thuế 25% áp dụng đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chuyển nhượng vốn là quá cao, bởi ở nước ta, hai thị trường này mới bắt đầu hình thành, chưa thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư.

Thuế suất cao dễ dẫn đến tình trạng nhà đầu tư khai thấp giá trị thật của giao dịch nhằm trốn thuế. Vì thế, mức thuế này nên giảm còn 10%.

Thuế suất của cổ tức 5% (quy định trong dự luật) là chưa hợp lý so với 25% đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Thường khi có lợi nhuận, DN hoặc chia cổ tức cho các cổ đông, hoặc là giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư.

Trong trường hợp thứ nhất, nhà đầu tư nhận tiền mặt và đóng thuế TNCN 5%. Trong trường hợp thứ hai, không một nhà đầu tư nào được nhận tiền mặt và theo nguyên tắc, giá cổ phiếu sẽ không thay đổi hoặc tăng nếu có phương án đầu tư tốt.

Lúc này, nếu nhà đầu tư nào có nhu cầu chi tiêu phải bán ra cổ phiếu để lấy tiền mặt và đóng thuế TNCN đến 25%. Như vậy, thay vì “trụ” lại ở các DN dùng lợi nhuận để tái đầu tư, nhà đầu tư sẽ tìm đến các DN chia cổ tức, nhằm hưởng mức thuế thấp hơn đến 5 lần!

Điều này vô hình trung khuyến khích chi tiêu hơn là khuyến khích tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Miễn thuế tiền lãi tiết kiệm

Tiền lãi tiết kiệm có phải nộp thuế hay không? Vấn đề này gây tranh cãi suốt 2 năm qua, nay người dân TP góp ý: Không nên đưa khoản thu nhập này vào diện thu nhập chịu thuế, bởi tiền gửi tiết kiệm thường là nguồn vốn không đủ khả năng đầu tư vào các kênh sinh lợi khác nên mới gửi vào ngân hàng để kiếm đồng lãi an toàn nhất.

Một số ý kiến cho rằng để bảo đảm điều tiết công bằng về thu nhập, nên chăng quy định đánh thuế tiết kiệm đối với những cá nhân có khoản tiền gửi lớn, thu nhập từ lãi cao (bình quân trên 10 triệu đồng/tháng).

Tính hợp pháp của các khoản thu nhập là yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, dự luật lại thiếu quy định này. Các góp ý cho rằng cần phải bổ sung quy định trên để chống lại các hành vi “rửa tiền”; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả vi phạm pháp luật của cá nhân (nếu có).

Box: Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt

Không chỉ cho rằng các mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng hoặc 5 triệu đồng/tháng (theo dự luật) là thiếu thực tế, người dân TP còn đề nghị quy định về các mức này phải linh hoạt, tùy điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền.

Quy định một mức chung là cào bằng, vì hiện nay còn sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền trên cả nước về thu nhập, mức sống.

<P>&nbsp;DƯƠNG QUANG - QUÝ HIỀN <EM>(Theo NLD)</EM>&nbsp;</P>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm