Kinh doanh càng thành công, 'đón tiếp' thanh tra càng nhiều

Một trong những chủ đề được Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội là thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với ông Lộc xung quanh vấn đề trên.

Doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần

. Phóng viên: Thưa ông, nhìn từ góc độ thể chế, ông có nghĩ rằng, với những cải cách mà Việt Nam đang tiến hành, khu vực kinh tế tư nhân có thể bứt phá được hay không?

+ Ông Vũ Tiến Lộc: Cải cách thể chế đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Chẳng hạn kết quả khảo sát của VCCI cho thấy kiểm tra thuế vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phản ảnh trước đây trung bình hai năm mới bị kiểm tra một lần, nay mỗi năm bị kiểm tra một lần. Hiện có quá nhiều cơ quan có quyền thanh tra các vấn đề về thuế.

Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cũng chỉ ra một tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp tư nhân càng lớn thì chi phí cho thủ tục hành chính càng cao, doanh nghiệp quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Cụ thể, có tới 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát từng đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2014. Doanh nghiệp có quy mô doanh thu trên 50 tỉ đồng, có tới trên 60% trong số họ bị thanh tra, kiểm tra thuế.

Đây là một lực cản đáng kể khiến cho các doanh nghiệp không lớn lên được và quy mô bình quân của doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần đi theo các số liệu thống kê công bố gần đây.

. Ông cho rằng phải coi kinh tế tư nhân là động lực của phát triển nhưng vì sao khu vực kinh tế này lại “teo tóp”, nhỏ dần?

+ Trên thực tế điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực, khu vực tư nhân trong nước. Nói một cách hình ảnh, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập nhưng khu vực kinh tế tư nhân trong nước vẫn “cô đơn”. Sự cô đơn thể hiện ở chỗ: Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này (về vốn, nguồn nhân lực, đất đai…) vẫn chưa đủ mạnh, chưa công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước vẫn đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu và nếu có tham gia thì cũng chỉ dừng lại ở công đoạn sử dụng nhiều nhân công tay nghề thấp và giá rẻ.

Kinh tế tư nhân là động lực của phát triển xã hội.Ảnh: CTV

Môi trường kinh doanh phải an toàn

. Như vậy, phải chăng cải cách thể chế chưa đủ mạnh để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và đúng tính chất thị trường để doanh nghiệp tư nhân phát triển, thưa ông?

+ Tôi quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Nhưng sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang gây quan ngại cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm, hiện tượng không công nhận và tòa án hủy các phán quyết trọng tài trong nhiều trường hợp còn khá tùy tiện… đang phát đi những tín hiệu không tốt về môi trường kinh doanh lành mạnh.

. Vậy theo ông phải làm gì để khắc phục tình trạng này và để doanh nghiệp hết cô đơn?

+ Trước hết tôi cho rằng cải cách thể chế không thể chỉ nhắm vào cải cách hành chính mà cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.

Bên cạnh đó, tìm cách giảm gánh nặng, duy trì khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ví dụ: Chính phủ nên dãn lộ trình thực hiện việc đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập đến năm 2019 hoặc 2020. Bởi lẽ hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn ở Việt Nam đang ở mức cao nhất trên thế giới và khu vực.

Về thời gian làm thêm theo quy định của Luật Lao động (không quá bốn giờ/tuần, không quá 200 giờ/năm và với một số ngành nghề đặc thù không quá 300 giờ) cũng không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh và cao hơn cả quy định ở một số nước phát triển. Tôi nghĩ cần phải nghiên cứu sửa đổi quy định này.

Làm được những điều nói trên sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân lớn lên.

Chênh vênh trên cầu khỉ

Với thể chế hiện nay, kinh doanh tư nhân ở Việt Nam như đi trên cầu khỉ. Rất chênh vênh. Trong quản lý của Nhà nước hiện có hai cụm từ phổ biến nhất: Thanh tra - quản lý và kiểm tra - xử phạt. Công tác kiểm tra đang cố gắng tìm ra sai phạm để xử phạt. Nếu đi kiểm tra mà không tìm ra lỗi là không hoàn thành nhiệm vụ.

Cách quản lý theo kiểu “năng lực đến đâu quản lý đến đó” và “hiểu biết đến đâu cho phép dân và doanh nghiệp làm đến đó" làm nảy sinh xu hướng thắt chặt các quy định quá mức nhằm đảm bảo an toàn và thuận lợi cho cơ quan nhà nước. Tình trạng này giới hạn tầm hoạt động của xã hội.

Việc thanh tra, truy thu thuế như đối với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trước đây là một ví dụ về bất cập. Lúc đó, Sabeco đã quyết toán xong rồi và Nhà nước tiến hành thì kiểm soát lại. Giả sử Sabeco phải nộp thuế bị truy thu thì phải lấy vốn ra để trả... Thể chế hiện nay bảo vệ tài sản, vốn cho doanh nghiệp tư nhân rất ít.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo một khảo sát của VCCI, chính sách về hải quan nhiều khi thay đổi nhanh đến mức doanh nghiệp chưa kịp cập nhật, nắm vững thông tư cũ thì thông tư mới đã được ban hành. Một số cán bộ hải quan chưa văn minh, thờ ơ, vô cảm với khó khăn, thiệt hại của doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm