Kinh tế 2011 khó khăn không kém 2008

Theo hướng này, có hai nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tháo gỡ khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường; đảm bảo chất lượng sống thực tế của đại đa số người dân” - ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội (ảnh), đã đánh giá như vậy trong cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Thách thức đối với mục tiêu giảm hộ nghèo

. Phóng viên: Chính phủ đã phát đi những tín hiệu cho thấy sẵn sàng hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát. Quốc hội là cơ quan giám sát, ông đánh giá các giải pháp ấy thế nào?

Kinh tế 2011 khó khăn không kém 2008 ảnh 1
+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi không dự họp Chính phủ nên chưa rõ chấp nhận tổn thương thế nào. Nhưng điều thấy rõ là để lạm phát 2010 cao đến mức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP thì đó là thách thức cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 2011.

Thứ nhất, ngân hàng thương mại luôn phải hoạt động theo nguyên tắc lãi suất huy động dương, tức cao hơn lạm phát. Lãi suất huy động cao thì cho vay cũng cao, chắc chắn gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đi vay. Như thế ắt ảnh hưởng tới nhiệm vụ phát triển kinh tế, khó tạo công ăn việc làm mới và bấp bênh cho những người đang làm công ăn lương.

Thứ hai, giá cả, lạm phát tăng cao chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của người lao động. Gây những nguy cơ tiềm ẩn về lòng tin, về an ninh trật tự. Đây là thách thức của mục tiêu giảm hộ nghèo.

Qua những biến động cuối 2010, phải đánh giá lại kết quả giảm nghèo mà Chính phủ báo cáo xem có chính xác không. Con số đã tính là trên cơ sở lạm phát giữ ở mức không quá 8%. Nhưng cả năm lên tới 12% rồi, thì những hộ cận nghèo rất có thể đã tụt xuống nghèo.

. Ông nhận định, so sánh thế nào về thách thức, khó khăn của 2011 so với những năm trước?

+ So với 2008 khi xảy ra khủng hoảng, thì khó khăn 2011 này sẽ không kém đâu. Còn so với 2010 thì 2011 khó khăn hơn nhiều. Năm ngoái, khoảng cách giữa tăng trưởng kinh tế và chỉ số lạm phát đã khá rộng. Sang năm nay lại có thêm chủ trương điều chỉnh giá tăng một số vật tư, dịch vụ cơ bản như điện, xăng dầu… cộng với quản lý và tâm lý xã hội có hướng không tích cực. Nếu không có biện pháp và cương quyết chỉ đạo thường xuyên cả năm thì giá cả, lạm phát sẽ rất thử thách.

Kinh tế 2011 khó khăn không kém 2008 ảnh 2

Người nội trợ phải tính toán chi li, tiết kiệm mới không thâm hụt ngân sách gia đình khi giá cả, lạm phát tăng. Ảnh: HTD

Tại sao phải thường xuyên, cương quyết? Rút kinh nghiệm 2010, chín tháng đầu năm, bằng các giải pháp đã đề ra, tình hình kinh tế nói chung chuyển theo hướng thuận lợi, đi vào ổn định. Nhưng sang quý IV, xem chừng có sự lơi lỏng, quá tin vào xu hướng chung mấy tháng trước, nên chỉ đạo sau đó về ổn định kinh tế vĩ mô là thiếu cương quyết. Thế nên lạm phát, bất ổn tỉ giá bật ngược trở lại.

Hậu quả tích tụ từ nhiều năm

. nhiều chuyên gia đang phân tích, so sánh lạm phát với nghĩa rất tiêu cực, như là “thuế đánh vào người nghèo”. Ông thấy thế nào?

+ Nhà khoa học thì có nhiều cách đánh giá, so sánh. Nhưng rõ ràng, bất cứ khó khăn nào, chỉ số nào mà đánh vào đời sống của đại bộ phận dân chúng thì đều không tốt.

. Riêng với ông, trong cuộc sống gia đình có thấy vợ và người thân than thở về giá cả, lạm phát?

+ Có. Vợ tôi và mọi người hay kêu là 100.000 đồng ra chợ giờ không biết mua cái gì. Tôi bảo, thôi tiền ngần ấy, chi tiêu thế nào cho phù hợp. Còn với việc lạm phát, thì rõ ràng trong túi có 100 đồng, mà chỉ số giá tiêu dùng tăng 7%, tức là giá trị sử dụng của người lao động chỉ còn 93 đồng. Trong khi thu nhập danh nghĩa của người dân không tăng tương ứng, thì rõ ràng chất lượng sống của người dân, tính bền vững của xã hội đi theo chiều hướng không tích cực.

. Những khó khăn xuất hiện ở 2011 này là do vài yếu kém trong điều hành kinh tế mấy tháng cuối 2010, hay là tích lũy những bất cập trong chính sách kinh tế vĩ mô nhiều năm dồn lại, thưa ông?

+ Chính phủ đánh giá rồi. Ngoài tác động khách quan bên ngoài là yếu kém trong nội tại, gồm cả những dồn tích từ các năm trước. Từ 2004-2005, Quốc hội đã cảnh báo các rủi ro về rộng tay chi tiêu công, bội chi ngân sách rồi, và sự tăng quá mức tổng phương tiện thanh toán… Bình thường, bội chi ngân sách và lạm phát ở mức 3% trở xuống thì khỏi phải quan tâm nhiều. Nhưng đã vượt lên mức trên 5% là phải để mắt và vượt 6% là phải ra tay.

Điều chỉnh phải đi đôi với giải pháp tích cực

. Các chỉ tiêu tổng quát về kinh tế-xã hội mà Quốc hội đặt ra cuối năm ngoái khá cao, trong khi khó khăn, thách thức của 2011 ngày càng rõ. Vậy theo ông, đã đến lúc Chính phủ và Quốc hội cần nghĩ tới khả năng điều chỉnh giảm các mục tiêu đó?

+ Chỉ tiêu chỉ là một mặt của công tác quản lý thôi. Cái chính là phải hướng tới phát triển bền vững, đời sống nhân dân được cải thiện. Chứ còn điều chỉnh chỉ tiêu mà không có giải pháp tích cực thì chả có ý nghĩa gì.

Với lại, giờ mới nửa cuối tháng 2, Chính phủ thì đang bàn. Giải pháp, quyết liệt thế nào chưa rõ. Chưa kể, giải pháp nào cũng có độ trễ thời gian mới phát huy tác dụng, lúc ấy mới kiểm chứng được hiệu quả. Nếu có và triển khai quyết liệt ngay, cũng phải hết sáu tháng đầu năm mới bắt đầu đánh giá được.

. Nhưng trước hàng loạt khó khăn, thách thức của 2011, các cơ quan của Quốc hội đã bắt đầu vào cuộc chưa?

+ Rồi. Tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp nghe Chính phủ báo cáo bổ sung về kinh tế-xã hội 2010, và những việc đã triển khai trong hai tháng đầu năm 2011. Các cơ quan của Quốc hội đã cảnh báo và lưu ý một số nhóm giải pháp điều hành của Chính phủ. Tôi cũng đã kết luận về chỉ số lạm phát, vấn đề ổn định giá trị đồng tiền nội tệ… và nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo chất lượng sống thực tế cho đại bộ phận người dân.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm