Lách luật huy động lãi suất kép

Nhằm hút được lượng khách hàng gửi tiền và giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng tung khuyến mãi, thêm các gói lãi suất huy động lãi một ngày lên đến 5%/năm.

Lãi ngày, lãi kép, thêm lãi +

Mới đây, ABBank đã áp dụng chương trình “Tiết kiệm VND kỳ hạn một ngày” với lãi suất 5% nếu khách hàng gửi 500 triệu đồng trở lên. Ngân hàng Phương Tây cũng đưa ra sản phẩm “tiền gửi linh hoạt ngày” lãi suất chạm trần 5%. Trong bảng công bố bảng biểu lãi suất tiền gửi của mình, HDBank cũng ghi rõ lãi suất đáo hạn một ngày là 5%.

Không chỉ gửi lãi suất tính kỳ hạn một ngày, hiện nay nhiều ngân hàng còn mời gọi khách hàng có thể lấy lãi ngay từ ngày đầu làm sổ. Riêng với lãi suất một tuần, hai tuần, hầu hết các ngân hàng thương mại đang huy động kịch trần là 5%/năm.

Sáng 21-3, khi điện thoại đến ABBank trong vai trò người gửi tiền, chúng tôi được tổng đài ngân hàng này cho hay khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngày hay tuần đều hưởng lãi 5%. Vì vậy, tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn sẽ có lợi hơn dài hạn. Cụ thể, với kỳ hạn một ngày, khách hàng được hưởng lãi suất là 5%. Nhưng ngày thứ hai, khách hàng lại được tính như ngày đầu cũng là 5%. Với lãi kép này, tính đến cuối tháng lãi suất của người gửi sẽ được nhận vượt quá trần 13% theo quy định.

Lách luật huy động lãi suất kép ảnh 1

Ngân hàng Abbank vừa cung cấp đến khách hàng sản phẩm “Tiết kiệm VNĐ kỳ hạn một ngày” nhằm thu hút tiền gửi. Ảnh: HTD

Chưa hết, lãi suất vượt trần huy động vẫn còn có ngân hàng áp dụng. Chị T. ở quận Tân Phú điện thoại đến một ngân hàng nhờ tư vấn cách gửi khoản tiền 400 triệu đồng sao cho có lời nhất. Nhân viên ngân hàng cho biết các ngân hàng hiện nay đều huy động lãi suất 13% nhưng nếu gửi kỳ hạn một tháng thì lãi suất cao nhất. Một lúc sau, nhân viên ngân hàng này đã điện thoại lại cho chị T. và nói rằng “do chỉ tiêu huy động nên sẽ cộng thêm cho chị 2% nữa”. Nghĩa là chị T. được hưởng lãi suất 15%. Tuy nhiên, khoản 2% kia nằm ngoài sổ và sẽ được trả ngay khi gửi tiền.

Lãi suất ngắn ngày là lách luật

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng theo quy định của NHNN, lãi suất tiền gửi dưới một tháng là 5%. Do đó, lãi suất một ngày được tính 5% cũng không phải là sai. Tuy nhiên, nếu ngày thứ hai vẫn số tiền ấy, ngân hàng tính lãi tiếp là 5% thì cộng lại thành lãi kép, đến cuối tháng khoản tiền này của khách hàng sẽ vượt quá lãi suất 13%. Như vậy là phạm luật.

Về nguyên tắc, tiền gửi kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao nhưng hiện tại nguyên tắc này có vẻ như đang bị đảo ngược. Theo ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng MB, lạm phát đang trong chiều hướng giảm dần và NHNN cũng sẽ có chính sách giảm dần trần lãi suất huy động. Dự báo đến cuối năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ giảm từ 13% xuống còn 10%. Theo xu hướng này, người gửi tiết kiệm dài hạn sẽ được hưởng lãi suất ổn định và vì lấy lãi cuối kỳ nên họ có lợi hơn. Về phía ngân hàng, khi tiền gửi vào kỳ hạn dài, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn mức lãi suất thực tế áp dụng tại thời điểm người gửi nhận lãi. “Vì thế một số ngân hàng thanh khoản tốt sẽ không thích khách hàng gửi tiền kỳ trung và dài hạn. Tiền gửi càng lâu thì khoản lãi của khách đọng lại càng nhiều, hay nói cách khác là “hàng tồn kho” còn đó mà chưa thanh toán được. Mặt khác, sự thay đổi của lãi suất từ giờ đến cuối năm theo chiều giảm, điều này không có lợi với ngân hàng. Đối với những ngân hàng quản trị tốt, đôi lúc họ không cần tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn đạt được lợi nhuận đặt ra. Vấn đề chính với họ là chu kỳ đồng tiền quay vào quay ra được nhiều vòng trong năm” - ông Tiến nói.

Giải thích vì sao nhiều ngân hàng cho khách hàng nhận lãi ngay khi gửi tiền, ông Tiến cho hay các sản phẩm này chắc chắn lãi suất sẽ thấp hơn khi nhận cuối kỳ. Nếu người gửi nhận lãi ngay đầu kỳ nhưng lại được hưởng trọn vẹn mức lãi suất thì khoản lãi nhận được sẽ vượt trần lãi suất quy định.

Ngân hàng khát vốn

Với lãi suất 5%/ngày, nếu khách hàng làm đáo hạn, rút tiền ra rồi làm lại sổ trong ngày thì không sai. Nhưng cách lách luật này sẽ rất phức tạp về mặt kỹ thuật trong ngân hàng. Điều đó cho thấy vấn đề thanh khoản của một số ngân hàng thương mại đang khó khăn trầm trọng. Mặt khác, một số chi nhánh ngân hàng vì muốn đạt chỉ tiêu cấp trên giao nên cũng bị áp lực lớn trong vấn đề huy động.

Một chuyên gia ngân hàng

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm