Lãi suất ngân hàng tăng cao: Nguy cơ suy thoái nền kinh tế

Trước tình trạng Ngân hàng nhà nước (NHNN) có nhiều chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm giảm lạm phát về mức hợp lý, không vượt quá 9%, thị trường tài chính đang xuất hiện tình trạng các ngân hàng thương mại đua nhau nâng lãi suất huy động tăng lên mốc 13,2%/năm kỳ hạn một tháng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn cũng đã được một số ngân hàng đẩy lên mức 20%/năm. Tình trạng này dễ dàng tạo nhiều hiệu ứng không tốt cho nền kinh tế nói chung. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Lạm phát hai tháng lên gần 6%

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, tất cả các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đều phải nhắm đến ba mục tiêu cơ bản là tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp và kiềm chế lạm phát. Thế nhưng khi điều chỉnh những vấn đề này thì nó lại tác động đến mục tiêu khác. Vì vậy, nếu các chính sách chống lạm phát không khéo sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Việc tăng trưởng kinh tế bền vững, giải quyết công ăn việc làm và giảm lạm phát xuống mức thấp quả là một bài toán khó. Để giải được bài toán này cần có một chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành trong bộ máy điều hành của Chính phủ. Một mình NHNN hành động thì chưa đủ mạnh.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho biết mục tiêu lạm phát đặt ra cho năm 2008 không vượt quá 9% nhưng mới chỉ hai tháng đầu năm 2008, lạm phát đã leo thang lên mức gần 6%. Thời gian còn lại 10 tháng nhưng phải làm sao khống chế lạm phát ở mức 3% mới đạt chỉ tiêu.

Hàng loạt giải pháp mạnh được NHNN ban hành trong thời gian qua có thể đã đo được độ rung qua việc các ngân hàng thương mại thiếu hụt tiền đồng, phải đẩy lãi suất tăng cao đã gây ra tác động chung cho toàn xã hội.

Theo tiến sĩ Dương, đứng về góc độ phương pháp và nguyên lý của các giải pháp trên quả là không sai nhưng NHNN thực hiện chính sách siết tín dụng quá mạnh đã gây sốc cho toàn nền kinh tế. NHNN cũng giống như một thầy thuốc, lạm phát là con bệnh. Để điều trị căn bệnh lạm phát, đáng lẽ ra NHNN phải dựa trên số liệu thống kê cụ thể trước khi ban hành các chính sách.

Siết chặt quá

“Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu xì hơi, là tác động của việc lãi suất của ngân hàng thương mại ồ ạt bị đẩy lên quá cao và hạn chế đột ngột rót tiền vào nhà, đất. Với chính sách này, vô hình trung đã đánh vào nhà sản xuất và người có nhu cầu nhà ở thực sự, nhất là các dự án nhà ở cho người nghèo. Còn các nhà đầu cơ bất động sản không bị tác động nhiều do họ nắm đầu vào và đầu ra của sản phẩm” - tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Cũng theo ông Dương, nếu các chính sách NHNN siết chặt quá kéo dài sẽ gây tác hại đến nền kinh tế. Đặc biệt tác động mạnh đến doanh nghiệp sản xuất phải vay tiền ngân hàng với lãi suất quá cao. Điều này sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh cho hàng hóa. Đến một mức độ nào đó doanh nghiệp không chịu nổi sẽ đóng cửa sản suất, giải thể doanh nghiệp, đẩy thất nghiệp tăng cao.

Tiến sĩ Dương cho biết khi lãi suất ngân hàng tăng cao, người dân và doanh nghiệp sẽ không còn mặn mà để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nữa mà đem gửi ngân hàng để lấy lãi. Điều này làm cho tiền từ ngân hàng này chạy qua ngân hàng khác mà không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Hệ quả là hàng hóa trên thị trường thiếu hụt sẽ đẩy giá tăng cao hơn đến một mức độ quá giới hạn có thể gây ra suy thoái nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán thời gian qua giảm có phải do tác động từ các chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN

Tiến sĩ Dương nhận định nhà đầu tư bây giờ cũng đã có trình độ phân tích, so sánh cao hơn trước rất nhiều. Chẳng hạn, một nhà đầu tư cầm 100 triệu đồng đi chơi chứng khoán, một năm lời 30% thì vẫn lỗ.

Có thể nhận thấy lãi vay ngân hàng lên tới 15%/năm, thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán 20%/năm (năm 2009 áp dụng), lạm phát giả sử 12%/năm cộng với chi phí môi giới giao dịch, chi phí thông tin, sách báo, đào tạo, mua thông tin...

Ngoài ra, họ nhận thấy lãi suất ngân hàng cao sẽ gây tác động trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết. Cộng với hàng loạt yếu tố khác sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ bị ảnh hưởng. Do đó với tình hình hiện nay, mấy ai đầu tư vào chứng khoán mà có lời, đa số là lỗ và lỗ nặng là khác.

Mua ngoại tệ phục vụ xuất khẩu

NHNN đang lúng túng trong việc mua bán ngoại tệ, khi mà thị trường đang dư thừa ngoại tệ. Giải pháp cho mua cổ phần bằng ngoại tệ cũng chỉ là chính sách nửa vời. Giải pháp bây giờ là NHNN có thể mua vào ngoại tệ để phục vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời thực hiện nhịp nhàng các nghiệp vụ thị trường mở để rút tiền về như phát hành trái phiếu kho bạc, trái phiếu NHNN..., góp phần làm giảm lạm phát.

VŨ HƯNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm