Làm giàu nhờ “biến hóa” cây tre

Từ cơ may bán được tre lá thô với số lượng lớn, chị Huỳnh Thị Nữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Lực, nghĩ đến chuyện làm hàng mỹ nghệ từ các vật liệu truyền thống này.   

Niềm đam mê cây tre

Chị Nữ khởi đầu sự nghiệp rất khó khăn, vừa tốt nghiệp phổ thông chị đã phải từ bỏ con đường học vấn để tìm kế mưu sinh. Với niềm đam mê từ nhỏ, chị quyết định theo đuổi ngành thủ công mỹ nghệ. Chị rày đây mai đó làm thuê từ xí nghiệp này đến xí nghiệp khác, vừa để kiếm sống vừa để học nghề. Sau thời gian dài dành dụm, chị mở cơ sở tự gia công.

Cơ may đến với chị Nữ vào khoảng năm 1996 khi một khách hàng Hà Lan sang đặt hàng hơn 100 container. Việc bán lượng tre lớn tạo nên cú sốc cả vùng Tân Thới Nhì (Hóc Môn, TP.HCM), cơ sở của chị Nữ bất chợt trở thành địa điểm xuất khẩu tre lớn nhất thời điểm đó và cũng là bước ngoặt thay đổi sự nghiệp của chị.

Chị Nữ tâm sự: “Thấy người nước ngoài mua tre số lượng lớn, tôi cứ suy nghĩ mãi. Cuối cùng cũng mới nghĩ tại sao mình không lắp ghép nó thành các mặt hàng mỹ nghệ lớn hơn, có giá trị lớn hơn”.

Làm giàu nhờ “biến hóa” cây tre ảnh 1

Chị Huỳnh Thị Nữ và con gái đang nghiên cứu các sản phẩm mới. Ảnh: BÁ HUY

Thế là chị cùng chồng bắt đầu thử nghiệm các sản phẩm dù gặp không ít khó khăn. Do tre có kích thước khác nhau nên chọn một sản phẩm đồng bộ là rất khó, bên cạnh đó hình thức gia công cũng không phải là dễ. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng những sản phẩm cũng được định hình, từ các sản phẩm đơn giản, gia đình chị bắt đầu phát triển các sản phẩm lớn hơn như kệ, bàn ghế, giường tủ...

Mặc dù có sản phẩm nhưng chị Nữ vẫn chưa  hài lòng. Chị bắt đầu đi các hội chợ triển lãm và phát hiện ra cái thiếu của các sản phẩm chính là màu sắc. Trở về nhà, chị bắt đầu thí nghiệm trên các sản phẩm của mình. “Việc cho màu lên tre rất đặc biệt. Do đây là sản phẩm không hút sơn nên mình phải tìm nhiều cách để có thể cho ra nhiều màu sắc khác nhau. Dù vậy, ngược lại một ưu điểm là màu trên tre luôn luôn có nét độc đáo” - chị Nữ tâm sự.

Có sản phẩm, chị bắt đầu chào bán thông qua các mối quen biết. Chị bán được nhiều sản phẩm qua các nước Hà Lan, Ý và nhiều nước châu Âu khác. Song song việc tự sản xuất chị cũng bắt đầu làm các sản phẩm theo đơn đặt hàng từ các đối tác, mở rộng theo nhiều mẫu mã mới. Khoảng năm 2000, nhiều vùng như Củ Chi, Hóc Môn, Tây Ninh đều trở thành các cơ sở gia công cho cơ sở của chị. 

Làm cho công nhân gắn bó với công ty 

Năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác đứng trước hàng loạt khó khăn, thậm chí là giải thể nhưng chị Nữ đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với khủng hoảng và đến nay doanh nghiệp chị đã hoàn toàn vượt qua khó khăn. “Khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp mỹ nghệ phá sản không ít, ngay cả ở doanh nghiệp của tôi từ tháng 5, tháng 8 hoàn toàn không có đơn hàng. Thế nhưng nắm được tình hình, mọi năm tôi đều cho làm hàng đón gió nhưng năm đó tôi xác định đón gió khoảng 15%.  Đồng thời tính toán được sự thất thường của giá nguyên liệu, sản xuất bù đắp số lượng đơn hàng ít sao cho hợp lý, mục đích là để nuôi công nhân” - chị Nữ cho biết.

Đa số các doanh nghiệp khi gặp khó khăn đều cho công nhân nghỉ ồ ạt. Thế nhưng ở doanh nghiệp chị Nữ, nhiều công nhân đòi nghỉ mà chị vẫn cố gắng giữ lại vì dự đoán thế nào cũng có đơn hàng. Và đúng như dự đoán của chị, sau đợt khủng hoảng, đơn hàng xuất hiện lại ồ ạt mà cơ sở vẫn không hao hụt công nhân trong khi nhiều doanh nghiệp khác không còn công nhân để sản xuất.  

Hiện nay công ty chị Nữ có trên 150 công nhân, chị xây dựng chính sách không tuyển ồ ạt mà tập trung chăm lo cho số lượng vừa phải. Chị cho biết: “Vì công nhân rất cần thời gian tăng ca làm thêm nên tôi không tuyển nhiều nhằm giúp cho người trong công ty tăng ca cải thiện đời sống. Khi đời sống họ đảm bảo thì họ mới gắn bó dài lâu”.

Chị Nữ cho biết sau khủng hoảng chị sẽ mở rộng thêm thị trường. Ngoài các nước châu Âu là khách hàng thường xuyên, chị cũng hướng sang thị trường châu Á, nơi có nhiều khách hàng tiềm năng.

Phát triển làng nghề

Chị Nữ cho biết thời điểm chị vừa về Tân Thới Nhì vẫn chưa có nghề làm tre lá. Tuy nhiên, sau sự kiện chị bán được lượng tre lớn, đồng thời phát triển các mạng lưới gia công sản phẩm, nhiều người học nghề và bắt đầu chuyển sang làm nghề thủ công mới. Khu vực Tân Thới Nhì bắt đầu hình thành khu làng nghề, giải quyết được lao động ở nông thôn.

BÁ HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm