Lần đầu tiên cho phép phá sản ngân hàng yếu kém

Như tin đã đưa, ngày 20-11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018.

Lần đầu tiên cho phép phá sản ngân hàng

Theo đó, dự thảo luật vừa được thông qua tập trung vào 5 phương án để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm các phương án như phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; giải thể; chuyển giao bắt buộc và các ngân hàng quá yếu sẽ được cho phá sản.

Đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống.

Cũng theo luật sửa đổi lần này, cá nhân được điều động tham gia xử lý ngân hàng yếu kém đang bị kiểm soát đặc biệt cũng được miễn trách nhiệm hình sự.

Cơ quan thường trực Quốc hội cũng cho rằng mục đích quan trọng nhất của hỗ trợ cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém là nhằm ổn định, không để đổ vỡ hệ thống.

Do đó, không nhất thiết đặt ra yêu cầu tính toán trả lại chi phí vốn đã hỗ trợ cho các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sau 5-7 năm như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trước đó.

Thủ tướng quyết định

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

"Việc thực hiện phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện", Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu quan điểm.

Bảo vệ quyến lợi người gửi tiền ra sao

Một số ý kiến đề nghị làm rõ quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng mặc dù được kiểm soát đặc biệt nhưng hoạt động của TCTD cơ bản vẫn phải bảo đảm bình thường, do vậy sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền.

Mặt khác, tại điểm b khoản 2 Điều 146c của dự thảo Luật đã quy định: Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc) có trách nhiệm quản trị, kiểm soát, điều hành hoạt động kinh doanh của TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm việc thực hiện chi trả tiền gửi bình thường cho người gửi tiền.

Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy xin không quy định trong Luật.

Về phía người gửi tiền, các chuyên gia khuyến nghị từ nay sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngân hàng mà mình muốn gửi tiền vào. Thay vì chỉ gửi tiền vào các ngân hàng có mức lãi suất cao, nay nên tìm hiểu ngân hàng nào thực sự có uy tín, an toàn để gửi gắm.Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM. Ảnh: THÙY LINH

Không cứu ngân hàng quá yếu kém

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay dự thảo Luật đã bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho TCTD thêm cơ hội để phục hồi.

Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của TCTD đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường. Do vậy, xin giữ quy định như dự thảo Luật.

Trên thực tế, giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ có thể âm song giá bán có thể bằng 0 đồng hoặc cao hơn 0 đồng, giá bán phần vốn góp vẫn phải do thị trường quyết định dựa trên sự đánh giá, xác thực về tài chính của tổ chức kiểm toán độc lập xác định.

Việc xác định của tổ chức kiểm toán độc lập chỉ là bảo đảm tính chính xác của tài sản, vốn của TCTD, không thể coi đó là một yếu tố định giá, do vậy việc mua bán phải theo cơ chế giá thị trường, bao gồm cả yếu tố thỏa thuận giữa các bên.

Không được phép kiêm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp khác

Theo quy định của Luật sửa đổi, tổng giám đốc, giám đốc; phó tổng giám đốc, phó giám đốc và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.

Phó tổng giám đốc, phó giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là tổng giám đốc, giám đốc; phó tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, giám đốc của TCTD không được đồng thời là chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc; phó tổng giám đốc, phó giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Phương án phá sản bao gồm 4 nội dung tối thiểu.

Một là đánh giá thực trạng và quá trình xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản.

Hai là đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng;

Ba là phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân;

Bốn là lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Về tổ chức thực hiện phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung phương án phá sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm