Liệu lãi suất có thể giảm?

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, ông Lê Xuân Nghĩa tại hội thảo “Thích ứng nhanh với thay đổi” do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức ngày 1-7 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập MB phía Nam.
Theo ông Nghĩa, trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn cố gắng tạo điều kiện để lãi suất duy trì ở mức lãi suất thấp như hiện nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Dư địa chính sách tiền tệ để giảm lãi suất không còn nhiều. Nếu có thể, chỉ giảm được chút ít với điều kiện phải kiểm soát chặt chẽ ngân sách, xử lý nợ xấu... chứ không phải là in tiền. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh cần xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.
Do vậy, cần phải cho phép doanh nghiệp được quyền phá sản. Nói cách khác “phải cho quyền được chết” chứ không phải là chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua. Bởi việc giãn nợ không giải quyết được nợ xấu mà buộc vào lưng doanh nghiệp thêm nhiều gánh nặng khác.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nêu quan điểm về việc NHNN tiếp tục điều chỉnh tỉ giá hối đoái theo hướng linh hoạt để có thể ứng phó với những biến động của tỉ giá, nhất là trong điều kiện vừa xảy ra sự kiện Brexit.
Hiện tỉ giá hối đoái của tiền đồng với các đồng tiền lân cận như đồng yen của Nhật Bản đang có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, các đồng tiền khác như là nhân dân tệ và các đồng tiền châu Âu thì đang bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp trong nước nên tiếp tục duy trì với các đối tác thương mại Trung Quốc, Mỹ, Nhật,… như trước đây vì cho rằng những cú sốc hiện tại có thể tạo ra những bất lợi nhưng về lâu dài chúng ta có thể khắc phục nó bằng những biện pháp khác. Chẳng hạn như sử dụng các nghiệp vụ thị trường phái sinh của các ngân hàng thương mại để phòng ngừa rủi ro. Mua các hợp đồng quyền chọn… sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều để hạn chế tác động xấu của tỉ giá hối đoái.
Đại diện ngân hàng MB cho biết: Xu hướng từ năm 2012 đến đầu 2015, các doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhiều nhờ các sản phẩm tài chính phái sinh kỳ hạn 12 tháng. Thậm chí một số doanh nghiệp còn sử dụng các sản phẩm hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo, để hoán đổi lãi suất khoản vay VNĐ sang lãi suất khoản vay USD có kỳ hạn từ hai đến ba năm. Cũng theo vị đại diện ngân hàng MB, những doanh nghiệp sử dụng hình thức này thì đã thu về một khoản lợi nhuận khá lớn khi sử dụng các sản phẩm tài chính dài hạn cho giai đoạn này.
Tuy nhiên, từ giữa 2015 tỉ giá VNĐ có sự biến động mạnh và NHNN linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tỉ giá theo tỉ giá trung tâm thay đổi hằng ngày, cộng với diễn biến trên thị trường, lãi suất không còn chênh lệch nhiều giữa các kỳ hạn, thì các doanh nghiệp đã kịp thời chuyển sang sử dụng các sản phẩm ngắn hạn dưới ba tháng.
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm