Lo ngại thiếu phân bón

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân urê trên thị trường thế giới bắt đầu tăng. Trong tuần đầu tháng 9/2007 giá phân urê đã tăng thêm từ 10-15 USD/tấn. Hiện các doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua phân urê từ Trung Quốc để chuẩn bị cho đợt giao hàng tháng 10 tới, mức giá lên tới 260 USD/tấn (FOB) với phân urê prill và 270 USD/tấn phân urê granular. Nguồn cung phân urê từ khu vực Baltic cũng đang giảm do nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất để bảo trì định kỳ, là những nguyên nhân quan trọng làm cho giá tăng.

Tại Việt Nam, giá phân urê cũng bắt đầu tăng. Giá phân urê tại Phú Mỹ hiện là 4.500 đồng/kg, còn giá tại biên giới (Việt Nam Trung Quốc) khoảng 4.800 đồng/kg. Theo dự báo thì trong thời gian tới giá phân urê sẽ còn tăng. Một số nguồn tin cho biết có nhà sản xuất đang chào giá phân urê ở mức 275-280 USD/ tấn (FOB), nhưng các nhà nhập khẩu chưa mặn mà với giá này.

Bên cạnh đó, giá phân bón trong nước cũng được dự báo sẽ còn tăng do nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh. Theo Tổng công ty Hoá chất Việt Nam nhiều loại nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón như lưu huỳnh, axit sunfuric (dùng cho sản xuất phân supe lân); urê, kali (dùng cho sản xuất phân NPK) đang tăng giá mạnh. Ví dụ giá lưu huỳnh tại thời điểm này đã ở mức 230 USD/tấn (tăng 50% so với năm trước), giá các loại nguyên liệu phân bón khác cũng tăng 10 - 20%, giá urê đang tăng trở lại.

Giá phân bón tại nhiều địa phương trong thời gian qua tăng đã gây thêm khó khăn cho nông dân.

Qua thông tin báo chí, tại Hải Phòng từ đầu năm đến nay giá nhiều loại phân bón đã tăng đến 4 lần, đặc biệt đối với phân urê, supe lân, kaly và phân bón tổng hợp NPK. Sản phẩm phân lân của Nhà máy Supe lân Lâm Thao sau 4 lần tăng giá hiện đã lên đến 1.500 đ/kg. Đây là giá nhà cung cấp giao cho doanh nghiệp theo đường thuỷ.

Thực tế, sau khi cộng chi phí vận chuyển đến điểm kinh doanh thì giá phân lân lên đến 2.000-2.300 đồng/kg. Hiện, phân bón tổng hợp NPK loại phân bón lót có tỷ lệ 5-10-3 giá bán tại bến là 1.945 đồng/kg (chưa cộng chi phí vận chuyển); loại phân bón thúc có tỷ lệ 12-5-10 giá 2.960 đồng/kg. Riêng đối với kaly, sản phẩm chưa bao giờ có giá cao ngang với giá phân đạm thì hiện tại đang ở mức giá cao ngất ngưởng: 5.200 đ/kg, cao nhất từ trước tới nay.

Tại Điện Biên vụ hè thu năm 2007 nông dân một số xã đã phải mua với giá 6.500 đồng/kg phân urê, 4.500 đồng/kg phân kali và 2.500đồng/kg phân lân.

Giá phân bón tăng, trong khi nguồn cung không dồi dào đang gây lo ngại về thiếu phân bón phục vụ cho vụ Đông xuân sắp tới.

Hiện nay, lượng tồn kho phân bón của các doanh nghiệp trong nước khá thấp. Theo Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, lượng tồn kho phân supe lân và phân lân nung chảy tại các đơn vị đều thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể Công ty Supe lân Lâm Thao chỉ bằng 15% so với cùng kỳ, Công ty Supe Long Thành chỉ bằng 35%, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển chỉ bằng 39%, Công ty Phân lân nung chảy Ninh Bình chỉ bằng 3%, Công ty phân Đạm Hà Bắc bằng 0%.

Nguyên nhân là năm nay mức tiêu thụ supe lân và phân NPK có mức tăng đột biến so với năm 2006, trong khi đó tốc độ sản xuất không đáp ứng đủ yêu cầu và thiếu nguyên liệu. Ví dụ thiếu axit mà sản xuất supe lân không đạt kế hoạch, thiếu than nên sản xuất phân lân nung chảy khó tăng công suất và hạn chế về năng lực thiết bị mà công suất phân đạm không thể tăng tiếp.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê sơ bộ, lượng urê nhập về trong tháng 7 đạt khoảng 57 ngàn tấn với trị giá 14 triệu USD, tăng 10,48% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với tháng trước, nhưng lại giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2006, giảm 52% về lượng. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng lượng urê nhập về đạt khoảng 370 ngàn tấn với trị giá 92 triệu USD, thấp hơn 10,62% về lượng và thấp hơn 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2006.

Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua, tuy không phải là vụ tiêu thụ đại trà và mức tiêu thụ phân bón tuy có giảm, nhưng mức sản xuất các loại phân bón vẫn chưa đủ để phục hồi nguồn hàng tồn kho quá thấp. Hiện tại, so với cùng kỳ, lượng tồn kho phân lân chế biến chỉ bằng 18%, phân lân nung chảy bằng 54%, phân đạm urê bằng 53%, phân NPK bằng 96%.

Đến nay một số doanh nghiệp đã chủ động mua nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng sự bất cập giao nhận và vận tải vẫn là những thách thức lớn, vì vậy tình trạng thiếu vật tư nguyên liệu sản xuất phân bón chậm được khắc phục. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, cuối tháng 9/2007 sẽ họp bàn về vấn đề đẩy mạnh sản xuất để cung ứng đủ phân bón cho vụ Đông Xuân.

Trần Thủy <EM>( Theo VietNamNet )</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm