Loại bỏ can thiệp hành chính vào kinh doanh

Ngày 27-4, Thời báo Tài chính Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam”.

GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay đang tồn tại song song hai mô hình quản lý vốn nhà nước tại DN, một là mô hình doanh nghiệp đứng ra quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hai là mô hình cơ quan chủ quản.

Rõ ràng, việc để song song hai mô hình này là không hợp lý. Để quản lý thực sự đối với DNNN cần tách bạch rõ chức năng đại diện chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước đối với DN.

Với cơ chế quản lý vốn nhà nước, không nên quay lại cơ chế chủ quản dưới bất kỳ hình thức nào. Thực tế, dù có thành lập riêng một ủy ban nhưng vẫn còn tính chất và đặc điểm của một cơ quan chủ quản, mà như vậy sẽ đi ngược mục tiêu tách riêng chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế chủ quản.

"Bên cạnh đó, mục tiêu sắp tới của chúng ta là giảm mạnh số DNNN đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực để nhường sân cho các thành phần kinh tế khác. Khi quy mô DNNN giảm thì mô hình cơ quan quản lý không thể cồng kềnh, phình to", ông Nghiệp nói.

Do đó ông Nghiệp cho rằng, việc quản lý DNNN phải điều chỉnh cho phù hợp với quy mô sắp tới của DNNN. Cơ quan quản lý đối với DNNN dù là tổ chức kinh tế hay cơ quan hành chính thì vẫn phải phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN.

Nếu mục tiêu là cải cách, thu hẹp DNNN nhưng xây dựng cơ quan quản lý DNNN mới lại phình to thì rất bất hợp lý. Một đằng chúng ta chủ trương giảm quy mô DNNN, trong khi lại muốn tăng quy mô cơ quan quản lý DNNN thì rõ là ngược chiều.

Với xu hướng phát triển hiện nay, mô hình doanh nghiệp – quỹ đầu tư sẽ hợp lý, hiệu quả và khả thi hơn thành lập một cơ quan quản lý hành chính. Mô hình quản lý theo hướng này sẽ xử lý được căn bản các vấn đề, như: Không can thiệp trực tiếp hành chính vào hoạt động điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (xóa bỏ được cơ chế chủ quản). Thay vào đó cơ quan này sẽ chỉ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, nên cân nhắc chọn phương án thành lập một ủy ban chuyên trách quản lý DNNN. Bởi ủy ban hay cơ quan thì cũng là đơn vị quản lý hành chính nên quản lý vốn và tài sản nhà nước là khó phù hợp. Trong các phương án thì phương án quản lý vốn nhà nước dưới hình thức tổ chức tập đoàn tài chính sẽ hợp lý hơn.

Tập đoàn này sẽ thực hiện nhiệm vụ tập hợp tất cả vốn của DNNN, thực hiện vai trò quản lý vốn Nhà nước tại các DN hoạt động như công ty tài chính đầu tư vào tất cả các DN, kể cả các DN 100% vốn Nhà nước và các DN có vốn của Nhà nước.

Việc thành lập các công ty quản lý vốn Nhà nước như vậy vẫn đảm bảo quyền tự chủ trong kinh doanh của các DNNN trong nền kinh tế thị trường; đảm bảo khả năng cạnh tranh và công ty tài chính quản lý vốn sẽ hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư, chứ không phải tư cách một cơ quan chủ quản, càng không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì đảm bảo quản lý vốn nhà nước hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.