Lợi dụng lỗ hổng, nhân viên 'móc túi' 8 triệu USD

Chỉ tính riêng trong năm 2016, trung bình mỗi tổ chức mất khoảng 5% doanh thu vì các hoạt động gian lận. Số liệu này được đưa ra trong báo cáo của Hiệp hội Điều tra gian lận Hoa Kỳ (2016).

Trong số các phương thức quản trị gian lận tài chính, việc phân tích dữ liệu chủ động được coi là phương thức hiệu quả nhất, giúp giảm đi ít nhất một nửa con số thiệt hại. Tuy nhiên, chỉ có 35% các tổ chức triển khai phương thức này.

Đó là một trong những thông tin quan trọng được EY Việt Nam đưa ra tại hội thảo “Những nguy cơ mới về gian lận tài chính” vừa được tổ chức sáng nay (17-8) tại TP.HCM.

Từ kinh nghiệm thực tế liên quan đến tình trạng gian lận tài chính tại Việt Nam, ông Saman Bandara, Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực pháp lý của EY Việt Nam, đưa ra các tình huống thường gặp cũng như các tình huống thực mà công ty từng giải quyết.

Ông Saman dẫn ví dụ: Một công ty chuyên sản xuất đồ nội thất với doanh thu hằng năm là 70 triệu USD đã liên hệ với EY Việt Nam để điều tra về quy trình thu mua. Kết quả cuộc điều tra cho thấy chính nhân viên phòng mua của công ty này đã đứng ra thiết lập các đơn vị trung gian giữa nhà cung cấp nguồn với công ty để đẩy giá 15%-40%. Sau đó lại nhận tiền hoa hồng từ nhà cung cấp. Tổng thiệt hại cho vụ gian lận này ước tính là 8 triệu USD, tương đương hơn 180 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Saman cũng cho rằng từ trước tới nay thiệt hại về kinh tế do các hoạt động gian lận tài chính vẫn là một vấn nạn thách thức sự phát triển toàn cầu. Theo một báo cáo của Hiệp hội Điều tra gian lận Hoa Kỳ (ACFE), trong năm 2016 trung bình mỗi tổ chức mất khoảng 5% doanh thu hằng năm bởi các hoạt động gian lận.

Trong số các phương thức quản trị gian lận tài chính, việc phân tích dữ liệu chủ động được coi là phương thức hiệu quả nhất, giúp phát hiện các gian lận chỉ trong một nửa thời gian cũng như giảm đi ít nhất một nửa số tiền thiệt hại.

Tuy nhiên, chỉ có 35% các tổ chức triển khai phương thức này. Dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu lớn được thiết kế dựa trên yêu cầu và các vấn đề về “lỗ hổng tài chính” của doanh nghiệp, việc phân tích chủ động liên tục “đào xới” thông tin để nhanh chóng tìm ra những nghi vấn và nguy cơ gian lận tài chính hay rò rỉ thông tin.

"Gian lận tài chính có thể tiềm ẩn ở mọi hoạt động của doanh nghiệp và không dễ có thể phát hiện ra do người gian lận luôn tìm cách khác nhau để che đậy cho hành động phạm pháp của mình. Chính vì thế việc quản lý tốt hơn các nguy cơ gian lận và tuân thủ các chính sách là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp - bất kể quy mô hay lĩnh vực" - một chuyên gia khuyến nghị. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm