ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG:

Lúa rớt giá từng ngày

Lúa rớt giá từng ngày ảnh 1

Giá lúa rớt từng ngày, người nông dân miền tây phải bán lúa giá rẻ. Ảnh: Thoại Sơn

Giá giảm do VFA?

Chị Trần Thị Bông, thương lái mua lúa ở ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cho biết hôm nay (2.3) VFA họp ở Long Xuyên, chưa biết có chính sách gì mới. Nhà chị Bông có ba chiếc ghe bầu chuyên mua lúa, sau tết hai chiếc phải nằm nhà vì làm ăn với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu gạo ngày càng khó.
“Ngày 1.3, giá lúa IR 50404 từ 4.600 đồng/kg xuống còn 4.100 và lúa dài (các giống OM) từ 4.700 đồng còn 4.300đ/kg, gạo nguyên liệu từ 6.500 - 6.600 đồng/kg còn 5.500 -5.700đ/kg, giá gạo nguyên liệu cân cho kho xuất khẩu giảm từng ngày, thương lái cơ cực và dễ bị thua thiệt khi các kho tính ẩm độ gạo cao”, chị Bông nói.

Hiện nay An Giang chỉ thu hoạch lúa khoảng 15.000 - 16.000 ha trong tổng số 230.000 ha, một số thương lái mua lúa nói giá lúa đang bị kéo về gần mức 4.000 đồng/kg hoặc thấp hơn. Nhưng ai đủ sức kéo giảm? Nông dân cho rằng chính cách ấn định giá thành sản xuất 2.200 đồng/kg lúa và mức “bảo hiểm” giá lúa (khô) 4.000 đồng/kg của VFA khiến giá giảm.

Ông Nguyễn Hữu An, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật An Giang bức xúc: "Nhận định không đủ cơ sở của hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã làm thiệt hại lớn cho nông dân trồng lúa". Ông An khẳng định, giá thành sản xuất vụ đông xuân năm nay khá cao do giá phân bón, nông dược, xăng dầu đều tăng cao, kéo theo các dịch vụ cày xới, bơm nước, dặm lúa, nhổ cỏ… tăng theo.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã tính toán chi li mới định được giá thành sản xuất vụ đông xuân này khoảng 3.400 - 3.600 đồng/kg lúa (thuê đất), 2.800đ/kg lúa (đất nhà), chứ không phải 2.200đ/kg lúa như cách tính của VFA.

Kỹ sư Huỳnh Thanh Phong, trưởng phòng Nông nghiệp – phát triển nông thôn huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, một số nông dân sản xuất giỏi, áp dụng thành thạo các biện pháp “1 phải, 5 giảm” mới hạ được giá thành sản xuất xuống 3.200 đồng/kg lúa, nhưng giá bán chỉ 4.000 đồng/kg theo mức giá “bảo hiểm” của VFA, chênh lệch giá đầu vào và giá bán khoảng 20%.

Mức này thấp hơn vụ thu đông, giá lúa từ 5.500 - 6.200 đồng/kg, tính ra mức lời từ 2.500 - 3.000 đồng/kg lúa. Vụ đông xuân mọi năm, giá lúa cao, chất lượng tốt nên giá chót cũng từ 5.000 - 5.500 đồng/kg. Năm nay giá lúa đông xuân sụt giảm từng ngày. Nhiều nông dân phàn nàn: lòng tin của họ bị đánh đố khi trồng lúa dễ gặp rủi ro hơn bất cứ cây trồng nào.

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép

Ông Quách Thanh Hiệp ở xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, than thở: "Đại lý bán vật tư nông nghiệp nói giá phân bón, thuốc trừ sâu lên bao nhiêu thì chúng tôi phải trả bấy nhiêu. Đến khi thu hoạch, thương lái mua lúa giá nào thì bán giá đó. Họ bị các kho lúa ép, áp lực bị dồn về phía nông dân. Nông dân lo sản xuất, không quyết định được giá mua vật tư và cả giá bán nông sản, lợi nhuận luôn thuộc về giới kinh doanh".

Theo các thương nhân kinh doanh lúa gạo ở miền tây, hạn hán và dịch hại ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Philippines, Thái Lan và châu Phi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng lúa và giao dịch gạo trên thị trường. Do đó, khả năng xuất khẩu gạo của các quốc gia này bị hạn chế, trong khi nhiều nước phải tăng lượng gạo nhập khẩu.

Tuy nhiên, cũng chính cách nhận định về nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới trong năm 2010 và dự đoán giá sẽ cao hơn năm 2009 nên VFA kiên quyết giữ giá gạo xuất khẩu (gạo 5% tấm là 440 USD/tấn). Các doanh nghiệp sẽ bị xem là bán phá giá nếu bán gạo thấp hơn giá này. VFA cũng giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp lo mua lúa gạo theo các hợp đồng xuất khẩu đã ký, còn phải mua thêm 1 triệu tấn gạo tạm trữ trong hai tháng tới. Nhiều doanh nghiệp cho biết trước đây họ được VFA yêu cầu nhưng không được hỗ trợ lãi suất nên việc mua lúa lần này phải dè dặt. Và như đã trở thành lệ, khi nhịp độ mua lúa, gạo “ngắc ngứ” thì giá lúa lập tức sụt giảm.

Ông Lê Hoành Sơn, trưởng văn phòng đại diện báo Doanh nhân Sài Gòn tại Cần Thơ cho biết, ngày mai 3.3.2010, tờ báo này sẽ phát động cuộc tìm hiểu, phát hiện, phân tích rõ vai trò của thương lái trong chuỗi giá trị và cơ chế nào khiến nạn ép giá xuất hiện theo chuỗi. Nhiều đại diện cơ quan báo chí ủng hộ cách đặt vấn đề này.

Theo Thoại Sơn - Vân Anh (SGTT)
Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]
Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn, nhà nước có nên tiếp tục dự án độc quyền vàng miếng SJC?
  • Nên tiếp tục
  • Nên dừng
  • Ý kiến khác
Lúa rớt giá từng ngày ảnh 6 Lúa rớt giá từng ngày ảnh 7

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm