Lúa sạch đạt giải nhất cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp'

Ngày 2-10, vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp 2016 lần 2 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập, quận 1, TP.HCM).

22 dự án lọt vào vòng chung kết sẽ có cơ hội tìm kiếm sự hợp tác từ các nhà đầu tư tài chính, các doanh nghiệp…

Vượt qua 22 đối thủ với nhiều dự án ở mọi lĩnh vực, dự án “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của Võ Văn Tiếng được đánh giá cao và giành giải nhất cuộc thi.

Mô hình trồng lúa mà Tiếng thực hiện là không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, chỉ thuận theo tự nhiên mà trồng; dựa vào các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên để diệt sâu, bệnh hại.

Võ Văn Tiếng giới thiệu dự án của mình trước vòng chung kết. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi mang dự án đến với cuộc thi lần này, Tiếng hy vọng dự án của anh sẽ khuyến khích được ngọn lửa đam mê của các bạn trẻ muốn làm nông nghiệp sạch; tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng. Lợi nhuận từ dự án sẽ được trích ra để hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và các vùng khác… Ngoài ra, nhóm của Tiếng cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật và phương hướng sản xuất cho nông dân để họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình mà không cần phải tha hương cầu thực.

Hiện ở TP.HCM, Tiếng có cửa hàng phân phối sản phẩm gạo Tâm Việt tại đường Trần Kế Xương, quận 7. 

Võ Văn Tiếng (thứ hai từ phải qua) cùng nhóm bạn của mình giành giải nhất tại vòng chung kết diễn ra vào ngày 2-10.

Ngoài ra, hai dự án với ý tưởng sáng tạo khác cũng đã đạt được giải nhì và giải ba. Giải nhì là dự án “S&E: Máng ăn cho heo tự động” của Phạm Minh Công (Đà Nẵng) nhằm giúp người chăn nuôi giải phóng sức lao động, kiểm soát được chế độ dinh dưỡng của heo…

Giải ba thuộc về dự án “Kinh doanh với người giữ rừng” của Trịnh Thị Ngọc Hân (Bến Tre) hướng tới xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm thủy sản tự nhiên của người giữ rừng ngập mặn Bến Tre.

Đây là lần thứ hai cuộc thi được tổ chức với mục đích tìm ra những dự án nông nghiệp mang tính bền vững. Năm nay, địa phương có dự án lọt vào vòng chung kết cao nhất là Đồng Tháp với bảy dự án, sau đó là TP.HCM (bốn dự án). Các dự án chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp như: Nông nghiệp đô thị, thanh long lên men, chăn nuôi bò lai sinh sản... Ngoài ra cũng có nhiều dự án áp dụng công nghệ cao như sản xuất và kinh doanh hoa sen sấy khô - Ecolotus, Khôi phục làng nghề mạch nha...

Bà Vũ Kim Anh, đại diện BSA, chia sẻ: Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn tìm ra những dự án nông nghiệp thuần thiên nhiên, không dùng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, quá nhiều chất độc hại trong hoạt động sản xuất…

Cũng thông qua cuộc thi, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm những sản phẩm phù hợp với mình để đầu tư, hỗ trợ các bạn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tư vấn kịp thời cho các bạn, tìm đầu ra cho sản phẩm sau này...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm